Doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ để hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh. Ảnh: Đ.T
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến trước thời điểm tháng 10/2021, nước ta chống dịch “quá mức cần thiết”, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân. Quan điểm của ông như thế nào?
Hai năm qua, cả nước căng mình chống dịch - một “trận chiến” chưa hề có tiền lệ khi cả nước đều là mặt trận, đều là tiền tuyến.
Tại sao cứ đòi hỏi cái gì cũng phải hoàn hảo, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp thực tế là dịch bệnh lan rộng, trong khi ở giai đoạn đầu chống dịch cho đến quý I/2021, Việt Nam chưa có vắc-xin? Tại sao không nhìn ở khía cạnh lãnh đạo các cấp rất có trách nhiệm với người dân, với cộng đồng, với xã hội? Trước tháng 10/2021, nếu không quyết liệt, không làm nghiêm, thì số lượng F0 và số người tử vong vì virus Corona chắc chắn nhiều hơn và có khi đến giờ chúng ta vẫn phải ở nhà để giãn cách xã hội.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Tôi cũng nghe, đến bây giờ, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, Việt Nam chống dịch hơi mạnh tay khiến kinh tế bị suy giảm. Hãy thử nhìn ra thế giới, có quốc gia nào không “lockdown” (đóng cửa hoàn toàn - PV), thậm chí có những quốc gia lockdown đến 250 ngày, như Australia, New Zealand. Nếu so với họ, thì cách chống dịch của Việt Nam không hề mạnh tay.
Kết quả của giãn cách xã hội hợp lý là tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2021 tăng 5,22% thay vì giảm 6,02% trong quý III/2021 và còn cao hơn tốc độ tăng trưởng 4,61% của quý IV/2020.
Tính chung cả năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%, là tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước trên thế giới tăng trưởng dương liên tục trong 2 năm 2020 - 2021.
Trước ngày 11/10/2021, chưa có quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Nghị quyết số 128/NQ-CP), chưa phân ra 4 cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng với từng cấp độ, nên có tình trạng các địa phương hành xử khác nhau trong chống dịch và mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, đại đa số người dân đủ điều kiện đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và bắt đầu tiêm mũi tăng cường. Với “lá chắn thép” này, Việt Nam chấp nhận “sống chung với Covid-19”. Chính vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua các giải pháp phục hồi kinh tế, trong đó có việc xem xét, thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tại kỳ họp bất thường sẽ trình Quốc hội gói hỗ trợ tài khóa trị giá 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021. Ông bình luận gì về gói hỗ trợ lãi suất?
Giả sử ngân sách nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ 3% lãi suất, thì cứ bỏ ra 30.000 tỷ đồng sẽ bơm ra nền kinh tế một triệu tỷ đồng, nhưng bơm ra bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Vấn đề là phải cho vay đúng đối tượng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng tiền ngân hàng cho vay, Nhà nước hỗ trợ lãi suất phải có hiệu quả, nếu không sẽ tác động đến lạm phát.
Tôi nghĩ, sẽ có tiêu chí, điều kiện hỗ trợ lãi suất, nhưng không phải cứ doanh nghiệp nào đáp ứng được tiêu chí, điều kiện là nghiễm nhiên được vay, mà ngân hàng phải thẩm tra, thẩm định và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc có quyết định cho vay hay không. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và tuân thủ đầy đủ, tuyệt đối quy tắc, quy chuẩn của kinh tế thị trường, không can thiệp vào hoạt động cho vay của ngân hàng, kể cả cho vay hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên họ cũng rất muốn cho doanh nghiệp vay gói hỗ trợ lãi suất, nhất là những doanh nghiệp làm ăn tử tế đang tạm thời gặp khó khăn. Bởi vậy, tôi nghĩ, gói hỗ trợ này sẽ đến được đúng đối tượng.
Từ thời điểm tháng 4, tháng 5/2020, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị thực hiện ngay gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cho tới tận năm 2022 mới có thể triển khai. Trước khó khăn của dịch bệnh trong 2 năm qua, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường. Ông có nghĩ gói hỗ trợ lãi suất triển khai quá muộn?
Triển khai bất cứ chính sách gì cũng phải căn cứ vào các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu đưa gói hỗ trợ lãi suất sớm hơn, thì liệu số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có giảm không?
Tôi tin chắc là không, vì trước tháng 5/2021, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong “cuộc chiến” chống Covid-19, trong khi rất nhiều nước trên thế giới và khu vực đang phải vật lộn với dịch bệnh. Khó khăn của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và chuỗi xuất khẩu, nên có hỗ trợ lãi suất, thì doanh nghiệp “khỏe” cũng không có nhu cầu vay, còn doanh nghiệp “yếu” thì không ngân hàng nào dám cho vay. Còn từ tháng 5 đến tháng 10/2021 lại ngược lại, trong khi nhiều nước trên thế giới dần mở cửa, thì Việt Nam buộc phải tăng cường giãn cách xã hội do dịch bệnh, nếu triển khai hỗ trợ lãi suất cũng không đạt hiệu quả.
Hiện tại, khi người dân bắt đầu được tiêm mũi vắc-xin tăng cường, đã có “tấm khiên” che chắn Covid-19, thế giới cũng đã thích ứng với dịch bệnh, nên dần mở cửa lại nền kinh tế, mới là thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp tổng lực bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó hỗ trợ lãi suất chỉ là một giải pháp.
Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với 60.000 tỷ đồng, theo ông có đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp? Bởi nếu trừ đi gói hỗ trợ lãi suất, số tiền miễn, giảm thuế chỉ còn lại 30.000 tỷ đồng, chỉ cao hơn gói hỗ trợ năm 2021 khoảng 8.300 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ tài khóa năm 2021 và cả năm 2020 được tính toán trị giá hơn 100.000 tỷ đồng, nhưng thực ra chủ yếu hỗ trợ… “trên giấy”.
Đơn cử, năm 2021, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất 92.909 tỷ đồng, thì đến nay, doanh nghiệp đã nộp lại 72.910 tỷ đồng, số còn lại sẽ nộp khi hết thời gian gia hạn; số tiền 4.000 tỷ đồng gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, thì doanh nghiệp vẫn phải nộp lại. Về số tiền thực tế hỗ trợ, như giảm tới 35 - 37 loại phí, giá trị chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất khoảng 3.500 tỷ đồng.
Gói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng được tính toán lên đến 19.700 tỷ đồng, nhưng thực tế thấp hơn nhiều, vì rất nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, không có thu nhập để được giảm thuế.
Nhìn vào kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ, có thể thấy, gói tài khóa miễn, giảm, gia hạn thuế chưa đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp.
Tôi chỉ nói đến thu nội địa, không tính đến thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu và thu từ dầu thô vì phụ thuộc bên ngoài. Năm 2021, thu nội địa vượt hơn 14% dự toán, kể cả trừ đi các khoản thu không từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết...), thì vẫn vượt 11,8% dự toán.
Cần lưu ý rằng, dự toán thu ngân sách dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, dự toán thu căn cứ trên mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%, trong khi thực tế GDP chỉ tăng trưởng 2,58%, nhưng vì sao thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại vượt 11,8%? Kinh tế năm 2021 khó khăn hơn năm 2020, nhưng vì sao thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại tăng gần 5% so với năm 2020?
Điều này chỉ có thể giải thích là các gói tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu mang tính chất “động viên” kiểu gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất (cho nợ), còn thực chất hỗ trợ không đáng kể. Ngay cả hỗ trợ, thì cũng chỉ có một số doanh nghiệp được hưởng, vì đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động không có doanh thu, không có thu nhập không được hưởng chính sách này. Các doanh nghiệp đã hoặc chuẩn bị rời khỏi thị trường cũng không được hưởng chính sách này, thậm chí cũng không được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.
Không chỉ gói hỗ trợ doanh nghiệp, mà cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động, nhiều lao động cho biết họ không được nhận. Ông có biết thông tin này không?
Người lao động nào đủ điều kiện mà không nhận được gói hỗ trợ này, ai biết thì cho tôi địa chỉ cụ thể, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ người dân.
Trên thực tế, có một bộ phận người lao động không được hưởng gói hỗ trợ này. Lý do là, khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2019, do có nhiều ý kiến phản đối việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh cá thể vào luật này để quản lý, nên hộ kinh doanh vẫn “nằm ngoài” Luật Doanh nghiệp. Cá nhân kinh doanh thuê mướn lao động chỉ bằng thỏa thuận miệng hoặc giấy viết tay, không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Khi dịch bệnh xảy ra, người lao động không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh họ bị mất việc, giãn việc, phải nghỉ ở nhà do cách ly, nên cơ quan nhà nước không có căn cứ để phát tiền hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng.
Qua đại dịch, người lao động cần ý thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình để khi gặp khó khăn mới được kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.