Vẫn có tới 23% số DN phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính

Vẫn có tới 23% số DN phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính

Thời điểm thay đổi

(ĐTCK) Chặng đường hành chính mà các DN phải trải qua nếu vượt quá những chi phí cơ hội của họ, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của gói kích cầu

Không nhiều nhà kinh tế muốn nói về các con số của năm 2008. Đó là một điều đặc biệt của một năm đặc biệt. Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, điều lớn nhất mà ông muốn nhắc tới trong năm 2008, đó là bài học khi những điểm yếu lộ rõ.

Cho tới thời điểm này, sau khi những thông tin về giải pháp thực hiện gói kích cầu tiền tỷ USD của Chính phủ được lần lượt đưa ra, giới DN đang hết sức quan tâm và trông đợi. Điều mà ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) nhắc lại liên tục là thời điểm thực hiện gói giải pháp này. "Đây là giải pháp có ý nghĩa như 'một miếng khi đói' nên chậm trễ đồng nghĩa với kém hiệu quả, kém ý nghĩa và khó đạt được mục tiêu", ông Hiệp khẳng định.

Trong khi các cơ quan chuyên môn đang tập trung tìm lời giải cho câu hỏi "kích vào đâu", "kích như thế nào", thì điều quan trọng với các DN là làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn, kể cả kích cầu và các nguồn vốn khác, với chi phí rẻ nhất, hiệu quả nhất? "Chặng đường hành chính mà các DN phải trải qua nếu vượt quá những chi phí cơ hội của họ, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của gói kích cầu", ông Hiệp nói.

Ứng phó hợp lý và đúng thời điểm là một bài học mà ông Võ Trí Thành nhắc tới khi phân tích bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2008. Giới phân tích kinh tế đã nhắc tới hai cuộc khủng hoảng xảy ra trong cùng một năm của các DN Việt Nam (lạm phát cao đầu năm và suy giảm kinh tế cuối năm). Những ứng phó chậm trễ và có phần lúng túng trước những dấu hiệu lạm phát hồi cuối năm 2007, đầu năm 2008 là điều mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lý giải trước Quốc hội. Bên cạnh đó, giới phân tích kinh tế cũng nhắc tới những ứng phó khá bị động đối với luồng vốn lớn đổ dồn từ bên ngoài.

Ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2008, trước thời điểm Luật thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực vào ngày 1/1/2009, nhiều cá nhân, DN phải chầu chực vài ngày ở khu vực "một cửa" của các cơ quan thuế để được làm thủ tục cấp mã số thuế cá nhân cho người lao động trong DN. Một luật thuế mới chưa chính thức khởi động, song các chi phí đã xuất hiện. Trong bối cảnh mà DN vẫn đang nằm giữa gọng kìm của những thách thức nghiệt ngã, giảm thiểu chi phí là một trong những giải pháp đang được DN kỳ vọng là một cứu cánh.

Cũng cần phải khẳng định rằng, năm 2008 đã ghi nhận khá nhiều động thái tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực chủ động cắt giảm chi phí hành chính. Bộ Công an đã bãi bỏ giấy phép khắc dấu. Bộ Xây dựng đi đầu trong hoạt động tập hợp, rà soát 35 thủ tục liên quan đến đầu tư để kiến nghị còn 7 thủ tục. Một số địa phương, như Hà Nội, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bình Định, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã thực hiện cơ chế "một cửa" trong đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký mã số thuế, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường cho DN so với quy định. Thậm chí, nhiều cách đi tắt đã được triển khai khi các địa phương ban hành văn bản riêng hướng dẫn "tổng hợp" thực hiện các quy định liên quan đến đầu tư (gồm cả xây dựng, đất đai, môi trường…) do các cơ quan Trung ương ban hành, nhằm tự khắc phục một phần sự chồng chéo về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư được quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, kết quả vẫn đang trong độ trễ. Trong cuộc khảo sát hơn 7.800 DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), tỷ lệ phần trăm chi phí thời gian DN phải bỏ ra để giải quyết các công việc liên quan đến giấy tờ và thủ tục hành chính vẫn tăng. Vẫn có tới 23% số DN phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, trong khi số DN nhận định có sự cải thiện về thủ tục hành chính không nhiều. Đặc biệt, mức độ thường xuyên và giá trị của các khoản chi phí không chính thức và những khó khăn từ việc phải chi trả các khoản chi phí không chính thức vẫn không thay đổi trong suốt 3 năm qua, bất chấp nỗ lực công khai của Chính phủ để kiểm soát tình hình. Điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) trong năm 2008 cho thấy, 3 trong 5 khó khăn lớn của DN Nhật Bản ở Việt Nam liên quan đến thủ tục hành chính phiền hà, thực thi pháp luật không chắc chắn và hệ thống luật pháp kém phát triển.

Trong bối cảnh bản đồ đầu tư, kinh doanh thế giới đang được cơ cấu lại, bài học của Việt Nam, theo ông Thành, còn ở cả sự quyết liệt và nghiêm túc trong thực hiện các chính sách. "Trong nhiều trường hợp, thực hiện tốt có ý nghĩa không kém gì lựa chọn chính sách tốt", ông Thành nói.