Đánh giá của ông thế nào về tình hình kinh tế thế giới trong năm 2023, nhất là nửa cuối năm nay? Các yếu tố bên ngoài này sẽ tiếp tục tác động ra sao lên kinh tế trong nước?
Tăng trưởng của châu Âu có lẽ sẽ phục hồi nhẹ trong các quý còn lại của năm. Tuy nhiên, số liệu của Trung Quốc cho thấy việc mở cửa thật sự không tạo một động lực tăng trưởng như kỳ vọng; trong khi nền kinh tế Mỹ đã tạo ra rất nhiều tranh cãi về tăng trưởng trong năm 2023.
Bức tranh kinh tế thế giới như vậy đã ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, thuỷ sản, dệt may… bị ảnh hưởng khá nặng. Tuy nhiên, không chỉ bị ảnh hưởng của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước còn chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm sức cầu của nội tại nền kinh tế.
Sự suy giảm này tương đối lớn do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu và chứng khoán. Điều này có thể thấy được qua bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Thậm chí, các doanh nghiệp đầu ngành còn đang khó khăn. Như vậy, nền kinh tế chúng ta đang chịu sức ép cả từ bên trong và bên ngoài.
Mặt bằng lãi suất đang xu hướng giảm, song áp lực lãi vay vẫn còn cao. Theo ông, lãi suất cho vay có giảm thêm trong thời gian tới và lạm phát năm 2023 có đáng lo?
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. |
Luôn có những rủi ro về lạm phát như giá điện, giá thịt heo, giá gạo. Tuy nhiên, xét ở tổng thể, với một sức mua yếu đi rõ nét và một nền kinh tế thế giới trong giai đoạn chậm lại, thậm chí có thể có suy thoái nhẹ, thì vấn đề lạm phát có lẽ không nên là điểm lo lắng. Điều cần quan tâm hiện nay là tăng trưởng đang chậm nhất trong thập kỷ qua.
Lãi suất đã, đang giảm, và tôi cho rằng, xu hướng đó vẫn tiếp tục, nhưng chưa thể về mức lãi suất của năm 2021 hay đầu 2022 được. Lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ bình quân 14%/năm cách đây vài tháng về tầm 12%/năm, nhưng mức này vẫn cao cho người mua nhà. Theo tôi, lãi suất phải dưới 10%/năm thì mới thực sự kích được nhu cầu. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất là một quá trình, quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2024 và tính ảnh hưởng của nó vào nền kinh tế cũng sẽ mất 6 - 9 tháng.
Hoạt động ngành ngân hàng năm nay được dự báo sẽ khó khăn hơn khi tín dụng chậm lại. Theo ông, liệu các ngân hàng có hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra năm nay?
Sức hấp thụ tín dụng thực sự đang rất yếu. Tính tới cuối tháng 4/2023, tín dụng tăng trưởng 3% so với cùng kỳ, nếu bỏ qua năm 2020 do Covid-19, thì lần cuối thấp như vậy là 2014. Tín dụng yếu bắt nguồn từ một nền kinh tế yếu, và ngược lại, tín dụng yếu là một yếu tố khiến kinh tế yếu.
Dù lãi suất đang giảm, nhưng nhiều ngân hàng đã huy động tiền gửi dài hạn với lãi suất cao từ cuối năm 2022, nên chi phí đầu vào (huy động) cao, trong khi lãi suất cho vay đang giảm, tăng trưởng tín dụng thấp khi cầu tín dụng yếu khiến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chính vào nguồn vốn ngân hàng, bởi thị trường chứng khoán chưa thực sự phát triển, trong khi thị trường trái phiếu non trẻ đang bị ảnh hưởng nặng sau vụ Vạn Thịnh Phát. Do đó, khi kinh tế hồi phục (điều chắc chắn sẽ xảy ra), thì nhu cầu tín dụng sẽ quay trở lại. Đơn cử như năm 2020, khi cách ly để phòng chống Covid-19, quý I chỉ tăng trưởng tín dụng 1,5%, nhưng kết thúc năm vẫn có mức tăng trưởng tín dụng tới 12%.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, kinh tế dự kiến hồi phục sẽ thúc đẩy cầu tín dụng quay trở lại. Nền lãi suất huy động cũng đang giảm, NIM sẽ phục hồi dần vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, NIM ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ thấp hơn so với 2022.
Nợ xấu được dự báo sẽ tăng trong năm nay do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, điều này có đáng lo ngại và liệu dự phòng rủi ro có tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng năm 2023?
Nợ xấu (NPL) sẽ tăng trong một bức tranh kinh tế ảm đạm. Hiện NPL của các ngân hàng đã tăng rồi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vài quý tiếp theo. Tuy vậy, các ngân hàng nhận thức được điều này và đã rất cẩn trọng. Nguồn trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hiện chiếm khoảng 2,1% tổng vay nợ (14 ngân hàng trong danh sách của Dragon Capital), cao nhất trong lịch sử.
Ngoài ra, các ngân hàng ở Việt Nam hiện cũng báo cáo NPL một cách chân thực hơn nhiều. Có tới 7 ngân hàng ở Việt Nam đang nghiên cứu và có khả năng báo cáo theo chuẩn IFRS và hơn 20 ngân hàng đạt chuẩn Basel II - yêu cầu 1 hệ thống báo cáo quốc tế. Rất khác với năm 2011, khi con số nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo thấp hơn nhiều so với tính toán của các tổ chức nghiên cứu.
Vì vậy, NPL chắc chắn sẽ tăng và sẽ bào mòn vào lợi nhuận các ngân hàng, nhưng lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn sẽ tăng so với năm 2022 dù chậm hơn so với năm trước.
Thông tư 02 và 03 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành về tái cơ cấu nợ và cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu sẽ tác động ra sao đến nợ xấu, cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thưa ông?
Đây là những động thái tích cực, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nhìn chung, các thông tư này làm giảm việc nợ xấu bị kéo theo từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, mà làm cục bộ hóa rủi ro ở các ngân hàng. Ví dụ như khách hàng A vay ở 2 ngân hàng B và C, nếu khoản vay ở B trở thành nợ xấu, không nhất thiết bị kéo theo ở C. Các ngân hàng có thể chủ động xử lý nợ xấu ở ngân hàng mình trước.
Tương tự, việc các ngân hàng có thể mua lại trái phiếu cũng gỡ nút thắt thanh khoản, đưa các khoản nợ xấu tiềm tàng về lại ngân hàng, cho ngân hàng chủ động giải quyết. Các thông tư này cũng không khiến ngân hàng chủ quan, giấu hết nợ xấu được, vì vẫn phải cô lập các đối tượng nợ này, trích lập dự phòng vào báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước. Nói chung, đây là các biện pháp hợp lý, không quá nới, nhưng hỗ trợ tốt cho các ngân hàng, tránh rủi ro hệ thống.
Với những phân tích như trên, ông đánh giá thế nào về triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng năm 2023?
Từ những phân tích trên có thể thấy, ngân hàng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2023 và mức tăng trưởng sẽ kém hơn các năm trước tương đối nhiều. Tuy vậy, tính từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng chỉ underperform (kém hiệu quả) so với VN-Index đúng 1 năm duy nhất.
Nhóm ngân hàng niêm yết hiện có mức định giá P/B khoảng 1.5x, chỉ đắt hơn duy nhất đáy Covid-19 quý I/2020 và đoạn đáy căng thẳng cuối năm 2022. Khó có giai đoạn nào có thể mua cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng tư nhân rẻ như này. TCB, MBB và ACB đang giao dịch xung quanh giá trị sổ sách, VPB thì giao dịch thấp hơn 40% so với giá bán cho đối tác chiến lược.
Quá nhiều lựa chọn rẻ trong ngành ngân hàng hiện nay. Ai cũng đã kỳ vọng và dự báo trước các tin xấu lên ngành ngân hàng, vì vậy mức rủi ro so với lợi nhuận tiềm năng hiện nay là rất phù hợp để đầu tư lâu dài với nhóm cổ phiếu ngân hàng.