Đã đến thời điểm hành động để đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững

Đã đến thời điểm hành động để đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững

Thời điểm hành động để thoát bẫy thu nhập trung bình

Dù có nhiều quan điểm trái chiều về việc Việt Nam đã hay chưa vướng bẫy thu nhập trung bình, song có một sự thống nhất rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, đó là đây là thời điểm để hành động, ít nhất để thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng “làng nhàng” hiện nay.

Sập bẫy hay chưa?

Vẫn nhất quán quan điểm Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, hoặc ít nhất là khả năng vướng bẫy đó đã thực sự hiện hữu, GS. Kenichi Ohno, vị chuyên gia lâu năm nghiên cứu về kinh tế - xã hội Việt Nam, đã viện dẫn tới 5 “triệu chứng” để chứng minh cho nhận định của mình. Đó là tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, sự thiếu hụt của dịch chuyển cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

“Sau năm 2006, tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng đi xuống, thay vì tốc độ tăng trưởng như dự kiến là 7-8%, giảm xuống còn 5-6%. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Việt Nam đã bước vào bẫy thu nhập trung bình”, GS. Kenichi Ohno nói tại Hội thảo khoa học về Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam, do Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm qua (15/4).

Tuy nhiên, có một cách nhìn khác, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam phải 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình. “Chúng ta chỉ vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình được mấy năm và còn nhiều thời gian nữa để vượt bẫy. Tuy nhiên, cần phải cảnh báo tình trạng tăng trưởng ‘lằng nhằng’ hiện nay, đặc biệt là tăng trưởng với hiệu suất thấp, trong khi chìa khóa để vượt bẫy thu nhập trung bình là năng suất cao”, TS. Lưu Bích Hồ nói.

Trong khi đó, một cách thẳng thắn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, dù Việt Nam “chưa” thì cũng sẽ “sắp rơi” vào bẫy thu nhập trung bình. “Đẳng cấp phát triển của Việt Nam rất thấp. Và từ khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thì tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Có rất nhiều vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam, mà dù chúng ta có thừa nhận đã sập bẫy hay chưa, thì nó vẫn diễn ra. Và vì thế, nếu không kịp thời cải cách, thì không thể vượt lên được”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thực tế, đó cũng là điều được cả GS. Kenichi Ohno và TS. Lưu Bích Hồ nói đến. Dù sập bẫy hay chưa, thì đã đến thời điểm để Việt Nam hành động, ít nhất là để thoát khỏi giai đoạn phát triển “làng nhàng” hiện nay và đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.

Con đường để thoát bẫy thu nhập trung bình

Dẫn câu chuyện về một phiên bản công nghiệp hóa 2.0 cho giai đoạn 1986 - 2015, PGS. Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, để vượt bẫy, phải khắc phục được những nhược điểm cơ bản của phiên bản 2.0. Đó là sự mờ nhạt của định hướng thị trường, sự thiếu nhất quán trong các chính sách và việc dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước.

“Các nguyên lý thị trường đã không được sử dụng để định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực một cách đầy đủ trong suốt thời kỳ qua, giờ thì phải tuân thủ sự điều tiết của thị trường. Vai trò của các tập đoàn nhà nước cũng đã không phát huy được những gì chúng ta mong đợi, tiêu tốn lớn nguồn lực quốc gia, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Với sự chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước như vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng không có cơ hội cải thiện, vì thế, phải kiên quyết tiến hành cổ phần hóa và ngừng vai trò chi phối nền kinh tế quốc dân, bởi các doanh nghiệp nhà nước”, PSG. Phạm Bích San bày tỏ quan điểm.

Cải cách thể chế, áp dụng nguyên tắc thị trường một cách đầy đủ cũng là điều được ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói tới. Theo ông Cung, các thể chế kinh tế hiện tại đang hướng việc phân bổ nguồn lực sang các khu vực hiệu quả thấp, khu vực phi chính thức và ít nhiều có sự méo mó. Bởi vậy, phải cải cách thể chế kinh tế và thiết lập một hệ thống luật pháp để hỗ trợ cho sự chuyển đổi một cách thực chất sang nền kinh tế thị trường, với sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

“Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để chuyển đổi, khi Hiến pháp đã được sửa đổi và hàng loạt dự luật quan trọng, như Luật Đầu tư công, Luật về chính quyền Trung ương, địa phương… đang được sửa đổi. Đây là những luật rất cơ bản, hỗ trợ Việt Nam cải cách thể chế, xác lập kinh tế thị trường một cách đầy đủ”, ông Cung nói.

Một cơ hội khác cũng được TS. Trần Đình Thiên nói tới, đó là việc Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng các đặc khu kinh tế và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. “Trên nền của kinh tế thị trường đầy đủ, chúng ta tạo các đột phá thể chế cho các đặc khu kinh tế, nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực cho nền kinh tế đi lên. Làm nông nghiệp công nghệ cao, với sự hỗ trợ của khu vực doanh nghiệp cũng là một bước đột phá. Nếu làm được những điều này, chúng ta có thể xoay chuyển tình thế”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, GS. Kenichi Ohno khẳng định, đối với Việt Nam, một quốc gia đang tăng trưởng dựa trên số lượng cho hai thập kỷ qua và đạt thu nhập trung bình thấp, thì mục tiêu chính sách giờ đây nên đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng, không tiếp tục mở rộng công nghiệp dựa trên đầu vào lớn của vốn nước ngoài, lao động giá rẻ.

“Hãy tập trung vào năng suất như là điểm nhấn quan trọng của nỗ lực chính sách”, GS. Kenichi Ohno phát biểu.

Tin bài liên quan