Thời điểm đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có sự khác biệt giữa các ngân hàng trung ương lớn

Thời điểm đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có sự khác biệt giữa các ngân hàng trung ương lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương lớn của phương Tây đều giữ nguyên lãi suất trong những cuộc họp chính sách gần đây, nhưng đã đưa ra những quan điểm rất khác nhau về những đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tiếp tục duy trì lãi suất ở phạm vi là 5,25% đến 5,5%, trong khi tiết lộ rằng các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới và bốn lần cắt giảm bổ sung vào năm 2025.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường hiện đang định giá đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3 và dự kiến lãi suất của Fed sẽ thấp hơn khoảng 150 điểm cơ bản vào cuối năm tới.

Mặc dù ba lần cắt giảm do Fed đưa ra vẫn chưa đạt được kỳ vọng của thị trường, nhưng điều này vẫn tạo ra một bất ngờ mang tính ôn hòa khiến chỉ số Dow Jones lên mức cao kỷ lục và lợi suất trái phiếu giảm mạnh, trong đó trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4% lần đầu tiên kể từ tháng 7.

Lạm phát toàn phần của Mỹ đạt mức 3,1% trong tháng 11, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed nhưng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 9,1% trong thời kỳ đại dịch vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động – vẫn ổn định ở mức 4%.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với GDP tăng trưởng ở mức 5,2% trong quý III.

Một bức tranh thách thức hơn ở Anh

Ở bên kia Đại Tây Dương, bức tranh lại rất khác. Cả Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp chính sách tuần này đều đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường, thu hút sự chú ý đến áp lực tiền lương và giá cả trong nước dai dẳng.

BoE đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% nhưng không đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất, đồng thời cho biết chính sách tiền tệ “có thể sẽ cần phải hạn chế trong một thời gian dài”.

Lạm phát toàn phần của Anh đã giảm xuống mức 4,6% trong tháng 10, mức thấp nhất trong hai năm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương cũng thấp hơn kỳ vọng gần đây, nhưng ở mức hơn 7% vẫn ở mức cao khó chịu đối với ngân hàng trung ương.

Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE lưu ý rằng “các chỉ số chính về tình trạng lạm phát kéo dài ở Anh vẫn ở mức cao”, mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang dẫn đến thị trường lao động lỏng lẻo hơn và đè nặng lên hoạt động của nền kinh tế thực.

GDP thực của Anh không thay đổi trong quý III nhưng nền kinh tế bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 10 so với tháng trước.

S&P Global cho biết, BoE vẫn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc xác định thời điểm thích hợp để bắt đầu nới lỏng chính sách, đặc biệt là khi họ bị cáo buộc đã chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng lạm phát phi mã khi lên tới đỉnh điểm 11,1% vào tháng 10/2022.

“Chúng tôi dự kiến sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất vào năm tới với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận rằng điều này có thể bị ảnh hưởng bất lợi do lạm phát cơ bản và dịch vụ vẫn còn mạnh cũng như tăng trưởng thu nhập không bền vững… Chính sách tiền tệ rất hạn chế và có khả năng gây ra suy thoái nhẹ trong những quý tới. Ngoài ra, nền kinh tế có thể sẽ suy giảm nhẹ trong cả năm 2024”, nhà kinh tế Raj Badiani của S&P Global cho biết.

ECB duy trì chính sách đủ hạn chế

ECB cũng quyết định giữ nguyên lãi suất trong khi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng và lạm phát, đồng thời công bố kế hoạch đẩy nhanh quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán.

ECB cho biết: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng Quản trị sẽ đảm bảo rằng lãi suất chính sách sẽ được đặt ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết”.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển ngôn ngữ mô tả lạm phát từ “dự kiến sẽ duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài” sang khẳng định rằng lạm phát sẽ “giảm dần trong năm tới”.

Lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã giảm từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống 2,4% vào tháng 11, khiến mục tiêu 2% của ECB nằm trong tầm tay ngay cả khi các quan chức cảnh báo rằng áp lực tiền lương và biến động của thị trường năng lượng có thể khiến áp lực lạm phát quay trở lại.

“Bất chấp thông điệp diều hâu tại cuộc họp mới đây, dữ liệu lạm phát gần đây yếu hơn dự kiến, sự chuyển hướng của Fed, cũng như lời lẽ nhẹ nhàng hơn từ một số thành viên nổi bật trong Hội đồng đã làm thay đổi cán cân rủi ro xung quanh quỹ đạo chính sách của ECB”, Peter Schaffrik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết.

“Điều đáng chú ý là tuyên bố chính sách tiền tệ của ECB không thay đổi cách diễn đạt về triển vọng lãi suất. Như trước đây, ECB tuyên bố sẽ đặt lãi suất ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết để đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%. Chúng tôi tiếp tục mong đợi mức cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên vào quý III/2024”, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg cho biết.​

Tin bài liên quan