Năm 2019, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu thuần gần 8.310 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 334,5 tỷ đồng, giảm lần lượt hơn 8% và 19% so với năm 2018.
Tuy vậy, báo cáo tài chính quý IV/2019 của LTG cho thấy có sự cải thiện trong quản trị tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý tồn kho và các khoản phải thu.
Theo ông Đinh Công Nghiệp, Giám đốc Bán hàng toàn quốc tại LTG, trong ngành vật tư nông nghiệp và giống, quản lý công nợ và hàng tồn kho luôn là vấn đề khó giải quyết của tất cả các công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp.
LTG đã phải sắp xếp lại hệ thống phân phối gồm hơn 1.000 đại lý dựa trên sự đánh giá hiệu quả cụ thể của từng đại lý.
Kết quả đánh giá giúp LTG đưa ra chính sách tài chính rõ ràng và minh bạch với từng nhóm đại lý để quản lý công nợ tốt hơn, tránh phát sinh nợ quá hạn, đồng thời lập kế hoạch bán hàng hoặc tạm ngừng cung cấp theo giai đoạn cụ thể, tránh dồn ứ hàng.
LTG cũng đánh giá lại cơ hội của từng sản phẩm, điều chỉnh kế hoạch bán từng nhóm sản phẩm theo diễn biến thị trường và tình hình mùa vụ, mục tiêu là hệ thống phân phối nhận được đủ hàng và phải bán hết được lượng hàng đó.
QR code được in trên bao bì từng sản phẩm để giám sát đường đi của sản phẩm, giúp hiểu đúng nhu cầu của nông dân…
“Theo đó, số dư cuối kỳ của khoản mục hàng tồn kho đã giảm 587 tỷ đồng, tức giảm 19% so với đầu kỳ.
Các chính sách chiết khấu hiệu quả và đẩy mạnh công tác thu nợ thể hiện ở số dư khoản phải thu thấp hơn.
Số dư cuối kỳ khoản mục phải thu đã giảm 425 tỷ đồng, tức giảm 19% so với đầu kỳ. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10%”, đại diện LTG chia sẻ thêm.
Thực tế, 2019 là năm khó khăn chung với các công ty nông nghiệp. Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục đà giảm mạnh từ năm 2018. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam có thời điểm chỉ 325 USD/tấn, chạm đáy 12 năm (theo Reuters).
Việc mạnh dạn tái cấu trúc sẽ tạo nền tảng để doanh nghiệp vững vàng đối phó với thách thức.
Năm 2020 thị trường có thể sẽ còn khó khăn hơn, nên việc mạnh dạn tái cấu trúc sẽ tạo nền tảng để doanh nghiệp vững vàng đối phó với thách thức.
Với LTG, doanh nghiệp này đặt mục tiêu năm 2020 doanh thu thuần chỉ tăng 0,9% so với năm 2019, nhưng lãi sau thuế tăng tới 61,6%, đạt khoảng 541 tỷ đồng.
Ở ngành xuất khẩu cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cho rằng, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch bệnh.
Bởi vậy, đơn hàng từ Trung Quốc có khả năng sẽ gia tăng đáng kể trong quý II và III/2020. Tuy nhiên, các chuyến hàng xuất khẩu có thể chậm lại trong tháng 2 và tháng 3 do việc vận chuyển.
Về phía khách hàng châu Âu, lãnh đạo VHC cho biết, đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến do các đơn hàng cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc (như cá cod, cá pollock, cá haddock) đang bị ách tắc.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quý II và III để tránh việc giá cá tăng mạnh khi có đột biến về đơn hàng, đặc biệt trong 2 quý cuối năm là giai đoạn có thể thiếu nguyên liệu”, bà Tâm chia sẻ.
Sự chuyển dịch, thay đổi thị trường và nhóm khách hàng không chỉ diễn ra với những doanh nghiệp lớn, mà còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp cho rằng, bệnh dịch không chỉ đơn thuần là mối đe dọa với sức khoẻ, mà còn tác động mạnh mẽ đến kinh tế và xã hội, trong đó ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp và nông sản là rất lớn.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nào cũng mang lại nhiều cơ hội mới.
“Lúc này, các bạn nên ráo riết tìm cơ hội, trước nhất bằng cách tham khảo các hội chợ, triển lãm… để tìm kiếm những đối tác mới. Hãy cố gắng thật năng động. Hệ sinh thái của chúng ta hãy mang óc sáng tạo tiếp sức cho các chiến lược kinh doanh nói chung, hoạt động tiếp thị, quảng cáo nói riêng để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường”, Giáo sư Trường nói.