Các ngân hàng nên thiết lập bộ đệm cho các tài sản có vấn đề càng sớm càng tốt

Các ngân hàng nên thiết lập bộ đệm cho các tài sản có vấn đề càng sớm càng tốt

Thời điểm đánh giá toàn diện hiệu quả Nghị quyết 42

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, đã có khoảng 350.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 tính đến tháng 4/2021 và hiện là thời điểm thích hợp đánh giá toàn diện hiệu quả của Nghị quyết để làm cơ sở hoàn thiện thêm hoặc nâng cấp thành luật về nợ xấu.

ADB đánh giá như thế nào về nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2021 và 2022?

Sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 kể từ tháng 4/2021 đã cản trở sự phục hồi kinh tế của đất nước, thắt chặt nguồn cung lao động, phá vỡ chuỗi giá trị sản xuất và sản xuất sử dụng nhiều lao động. Việc di chuyển bị kiểm soát nghiêm ngặt và giãn cách xã hội kéo dài ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp trên cả nước đã tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, hơn 85.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và gần 13 triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Tiếp theo đó, chuỗi giá trị sản xuất bị gián đoạn, du lịch và thương mại giảm sút, nhu cầu trong nước giảm, sản xuất - kinh doanh đình trệ đã gây áp lực lên lợi nhuận và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, đè nặng lên chất lượng tài sản ngân hàng.

Các ngân hàng đã và đang thực hiện các biện pháp cứu trợ tín dụng, bao gồm cơ cấu lại các khoản nợ, trong khi vẫn giữ nguyên các khoản cho vay này theo nhóm phân loại như trước khi tái cơ cấu. Tính đến cuối tháng 8/2021, các khoản cho vay cơ cấu lại ước đạt khoảng 2,3% tổng dư nợ. Tuy nhiên, bức tranh về các khoản nợ xấu (NPL) thực tế sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 6/2022, khi việc gia hạn các khoản vay được cơ cấu lại kết thúc. Vào thời điểm đó, một phần của các khoản cho vay được cơ cấu lại có thể trở thành nợ xấu khi chúng được phân loại lại.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

ADB có thấy “khó hiểu” khi nợ xấu của các ngân hàng đang tăng nhanh, nhưng con số lợi nhuận vẫn ở mức cao, hay nói cách khác, ADB nhận định gì về việc nợ xấu tăng song hành cùng lợi nhuận tại các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay?

Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2021 một phần do nỗ lực trong việc số hóa ngân hàng và các biện pháp khác, hỗ trợ cải thiện hoạt động và gia tăng hiệu quả chi phí. Bất chấp những tác động của Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn có thể duy trì tăng trưởng tín dụng nhờ năng lực quản trị công ty và quản lý rủi ro được cải thiện, đặc biệt là thông qua việc tuân thủ cả 3 trụ cột của chuẩn mực Basel II. Nhiều ngân hàng đã chứng minh được NIM (biên lãi ròng) mở rộng và thu được thu nhập từ lãi lớn hơn do lãi suất cho vay giảm so với lãi suất tiền gửi, được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa dịch vụ, thu được lợi nhuận từ bán chéo, bancassurance và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không bền vững nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, dẫn đến mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ngày càng tăng và tỷ lệ thất nghiệp sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng, trong khi các ngân hàng vẫn phải mở rộng những biện pháp cứu trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng. Xóa và hạ lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ này có thể khiến lợi nhuận của ngân hàng tiếp tục giảm hơn 1 tỷ USD vào cuối năm 2021. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro theo yêu cầu và đặc biệt khi một phần của các khoản cho vay được cơ cấu lại trở thành nợ xấu.

Do sự không chắc chắn và rủi ro gia tăng các khoản nợ không trả được, các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện lộ trình 3 năm về việc tăng dự phòng rủi ro theo quy định tới năm 2023. Thực tế cho thấy, để đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống, các ngân hàng nên tăng dự phòng rủi ro và xây dựng, thiết lập bộ đệm cho các tài sản có vấn đề càng sớm càng tốt. Các ngân hàng cũng được khuyến khích nâng cao hơn nữa nền tảng vốn, năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, chủ động thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sau gần 5 năm đi vào thực hiện, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nợ xấu mới được cho là đang gia tăng trở lại với quy mô lớn. Nghị quyết 42 dù là công cụ mạnh mẽ để xử lý nợ xấu, nhưng chỉ có hiệu lực đến ngày 15/8/2022, hướng đi tiếp theo sau khi nghị quyết này hết hiệu lực theo ông sẽ là gì?

Giải quyết nợ xấu đã nhận được động lực mới từ cải cách liên quan đến luật năm 2017 (Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về giải quyết nợ xấu), tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản thế chấp và cơ cấu lại tài sản xấu. Nghị quyết 42 đã trao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thêm quyền hạn trong việc giải quyết nợ xấu, bao gồm khả năng thu hồi nợ xấu theo “giá trị thị trường”, chứ không phải “mệnh giá” như trước đây - vốn đã hạn chế khả năng bán nợ xấu của VAMC mà không phát sinh lỗ.

Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu giữ tài sản thế chấp trong trường hợp người vay không trả được nợ và bán nợ xấu theo giá thị trường cho nhiều đối tượng hơn, đảm bảo giải quyết nhanh hơn tài sản có vấn đề. Đồng thời, Nghị quyết 42 đã hỗ trợ các thủ tục tòa án được giải quyết nhanh chóng, cũng như các nỗ lực phối hợp để tăng tốc xử lý nợ xấu và tài sản thế chấp liên quan. Tính đến tháng 4/2021, khoảng 350.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42.

Việc các ngân hàng áp dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời giãn, hoãn nợ tín dụng với các khách hàng đang gặp khó khăn vì dịch cùng với sự bất định và rủi ro gia tăng các khoản nợ không có khả năng thu hồi có thể làm gia tăng áp lực lên lĩnh vực tài chính trong thời gian tới. Các tài sản có vấn đề và rủi ro vỡ nợ vì tác động của đại dịch là những vấn đề cốt yếu mà Nghị quyết 42 cần giải quyết.

Nghị quyết 42 đã được thực hiện trên cơ sở thí điểm, sẽ chỉ có hiệu lực đến trung tuần tháng 8/2022. Việc giải quyết nợ xấu phải tuân theo một số luật và quy định. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá toàn diện hiệu quả của Nghị quyết 42, làm cơ sở cho việc hoàn thiện thêm hoặc nâng cấp thành luật tổng thể về nợ xấu nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý toàn diện cho việc giải quyết nợ xấu. Việc tăng vốn và nâng cao năng lực của VAMC được mong đợi sẽ cải thiện hơn nữa nhằm giúp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.

Một khuyến nghị nữa, đó là phát triển thị trường mua bán nợ sôi động và khuyến khích hơn nữa các nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và các bên liên quan để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu.

Tin bài liên quan