Kỳ ĐHCĐ tới đây sẽ là điểm ‘bản lề’ để nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút sự chú ý từ thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Kỳ ĐHCĐ tới đây sẽ là điểm ‘bản lề’ để nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút sự chú ý từ thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Thời điểm bản lề vào sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều dự báo cho thấy cổ phiếu ngân hàng có một năm 2022 tươi sáng, nhưng đâu sẽ là thời điểm kích hoạt dòng tiền vào cổ phiếu nhóm này?

Những chất “xúc tác”

Ngày 4/3/2022 vừa qua là thời hạn đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2022 của ACB (mã ACB) dự kiến tổ chức vào ngày 7/4. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp ACB cho biết, ĐHCĐ sẽ thông qua các chương trình như phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, kế hoạch lợi nhuận 2022, phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, phương án phát hành, đăng ký bổ sung và niêm yết bổ sung cổ phiếu… và điểm đáng chú ý là ACB vẫn giữ chính sách trích lập dự phòng thận trọng.

Được biết, trong năm 2021, ACB đã tăng trích lập dự phòng lên gấp 3,5 lần so với năm 2020 và đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên mức 209%, từ đó làm giảm lợi nhuận. Nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ LLR cao cũng giúp ACB linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng trong tương lai. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của ACB vẫn ổn định với tỷ lệ nợ xấu (NPL) tương đối thấp (0,77%). Tỷ lệ CASA tuy cũng khá thấp, nhưng trong xu hướng tăng từ quý IV/2021, qua đó giúp ACB cải thiện chi phí huy động vốn và tỷ lệ lãi cận biên (NIM).

Vietcombank (mã VCB) thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 8/4/2022. Với tỷ lệ LLR cao nhất trong số các ngân hàng được niêm yết cho phép Vietcombank linh hoạt hơn khi có thể giảm dự phòng trong tương lai và giúp thúc đẩy lợi nhuận trong năm 2022. Chất “xúc tác” của Vietcombank được đánh giá là kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ tăng sau khi áp dụng chính sách thu phí mới đối với các khách hàng sử dụng nền tảng VCB Digibank và đặc biệt, Ngân hàng dự kiến bán 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cổ phiếu VCB hiện đang giao dịch với giá trị sổ sách (P/B) năm 2022 dự kiến đạt 2,9 lần, mức định giá cao hơn so với ngành là 1,7 lần.

Trước mùa đại hội, nhiều ngân hàng chủ động công bố thông tin trước với kết quả khá tích cực. MSB (mã MSB) cho biết, Ngân hàng sẽ trình ĐHCĐ thông qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ. BIDV (mã BID) dự kiến phát hành 341,5 triệu cổ phiếu (tương đương 6,8% vốn điều lệ hiện hành) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: “Tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các ngân hàng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022-2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao”.

Hay tại VPBank (mã VPB), chi tiết về kế hoạch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa rõ ràng, nhưng Ngân hàng kỳ vọng sẽ hoàn tất thương vụ này trong nửa đầu năm 2022.

Còn tại HDBank (mã HDB), thu nhập phí ròng cả năm 2021 đạt 1.900 tỷ đồng (tăng 103% so với năm 2020) với phần lớn đến từ mảng bancassurance. HDBank đứng thứ 4 xét về doanh thu phí bảo hiểm hàng năm (APE) tính theo tháng trong tháng 12/2021 với 120 tỷ đồng. Ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt được 1.700 tỷ đồng doanh thu APE mới trong năm 2022 và khoản phí từ bancassurance sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận trong năm nay.

Điểm “bản lề” thu hút thị trường

Ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, trong năm 2021, số lượng nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán tăng hơn 50% đồng nghĩa với việc số người tham gia thị trường tăng gấp rưỡi. Ngày càng có nhiều người đầu tư vào thị trường chứng khoán và coi đây như một kênh tích lũy tài sản. Trong năm qua, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường tăng gấp 3,6 lần, đạt 24.700 tỷ đồng đối với thị trường chứng khoán và 11.000 tỷ đồng đối với thị trường nợ. Điểm đáng chú ý là thanh khoản giảm trong trong bối cảnh số tài khoản mở mới tăng mạnh với số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư ở mức cao và dòng tiền cho vay margin tăng mạnh từ 150.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021 lên 175.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Những con số trên cho thấy, tâm lý chung là nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ những yếu tố xúc tác để có thể “giải ngân” trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, thanh khoản khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ( HOSE) chỉ cải thiện đáng kể trong những phiên gần cuối tháng 2/2022, đặc biệt trong ngày 24/2/2022, sau khi xung đột vũ trang tại Ukraine chính thức nổ ra.

Ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng vẫn là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung thị trường và quan trọng hơn là nhà đầu tư có thể nhìn được sự tăng trưởng đó một cách rõ ràng, trong khi có rất nhiều ngành có thể tăng trưởng cao nhưng không nhìn thấy rõ.

“Đây là một yếu tố hấp dẫn của ngành ngân hàng”, ông Tường nói.

Tuy nhiên, theo ông Tường: “Nền định giá của ngân hàng (P/B) đang rất cao so với quá khứ. Tất nhiên, sẽ có những tranh luận rằng, các ngân hàng hiện quản lý rủi ro tốt hơn cho nên xứng đáng được giao dịch ở một nền định giá cao. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng ngược lại, yếu tố lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) các ngân hàng tăng mạnh những năm qua chỉ một phần do được quản lý tốt hơn, mà chủ yếu đến từ việc sử dụng hệ số sử dụng nợ cao lên”.

Ngân hàng vẫn là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung thị trường và quan trọng hơn là nhà đầu tư có thể nhìn được sự tăng trưởng đó một cách rõ ràng…

Cũng theo ông Tường, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu các ngân hàng đã tăng trên 10 lần. Điều này thể hiện, bản chất lợi nhuận các ngân hàng sẽ khá rủi ro trước những yếu tố bất lợi của thị trường, ví dụ như lãi suất tăng đột biến, thanh khoản thị trường giảm đột ngột… và những yếu tố này sẽ được phản ánh vào định giá.

Hiện tại, định giá P/B ngành ngân hàng khoảng 2,4 lần và theo ông Tường, P/B đang nằm trên 2 lần độ lệch chuẩn so với quá khứ nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng đạt bình quân 20-25% trong năm 2022. Cùng với đó, nếu giá cổ phiếu ngân hàng không tăng thì P/B sẽ quay về mức 1,8-2 lần vào cuối năm nay, nghĩa là quay lại mức trung bình.

“Điều này đồng nghĩa với việc mất khoảng một năm cổ phiếu ngân hàng không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Vậy để cho giá cổ phiếu tăng thì phải có cái yếu tố nào đó để hút được dòng tiền? Quan điểm cá nhân của tôi là kỳ ĐHCĐ tới đây sẽ là điểm ‘bản lề’ thu hút sự chú ý của thị trường đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng”, ông Tường nói.

Trên thực tế, các thông tin công bố trước và sau đại hội của mỗi ngân hàng luôn hút sự chú ý và tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu. Đơn cử, việc VPBank công bố nới room ngoại từ 15% lên 17,5% đã khiến cổ phiếu này tăng khá tốt trong 2 phiên cuối tuần qua.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối Dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup cho biết, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính, đây là điểm khác biệt so với năm 2021 khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường.

“Ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25% trong năm 2022, nhờ các yếu tố: Tín dụng dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ, NIM tiếp tục duy trì ở mức cao ngay cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Đồng thời, thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi và một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập, và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng do một phần nợ xấu ảnh hưởng bởi Covid sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành”, bà Vân nói.

Tin bài liên quan