Thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường...

Thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những “đòn tấn công” khủng khiếp của đại dịch Covid-19, những quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam đối mặt với lạm phát toàn cầu, cũng như tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất, đã khiến Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhiều.

Đây là nhận định của ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2023 tổ chức sáng 13/9 tại TP HCM.

“Tôi đã sống hơn 60 năm cuộc đời, cũng là lần đầu tiên thấy được sự thay đổi lớn như thế này của môi trường xung quanh”, ông Yuichiro Shiotani chia sẻ và nói thêm rằng, đó là sự thay đổi của thời đại, thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong 8 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Diễn đàn xuất khẩu, cùng các Diễn đàn, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Viet Nam International Sourcing Expo là Chuỗi sự kiện được Bộ Công thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh đồng chủ trì nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới với sự góp mặt của Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuy điển), LuLu (UAE)... cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thời gian qua, tập đoàn Walmart đã có nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhất là hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng xuất khẩu. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) Avaneesh Gupta bày tỏ mong muốn được tiếp hỗ trợ cho các nhà sản xuất, cung cấp của Việt Nam trong việc tạo dựng các vùng nguyên, vật liệu trong nước, với chất lượng, giá thành phù hợp, đẩy mạnh số hóa quá trình sản xuất, để nâng cao năng suất, bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa…

Walmart cũng mong muốn kết nối, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia và mạng lưới thương mại điện tử của tập đoàn này với khoảng 120 triệu người dùng.

Trước đó, để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện này, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, trong quá trình làm việc với Walmart, phía Walmart cho biết sẽ tập trung tìm kiếm đối tác ở 6 ngành hàng chính, gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng; đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Walmart, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn; giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic; năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm. Những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam của Walmart là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Tham gia Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023”, ông Richard Mellgren - Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị - Cảng Gothenburg mong đợi được gặp các công ty Việt Nam và các doanh nghiệp Việt có thể liên hệ với Cảng Gothenburg để được tư vấn khi vận chuyển hàng hóa của họ đến hoặc đi từ Thụy Điển.

"Cảng Gothenburg cũng đang tập trung tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam và hiểu rõ hơn về cách chúng tôi có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng liên quan đến việc hỗ trợ các công ty bằng các giải pháp và dịch vụ hậu cần bền vững và thông minh", ông ông Richard Mellgren nói.

Ngoài mối quan hệ lâu dài, đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt/chất lượng cao, có lực lượng lao động lành nghề cho sản phẩm được đề cập, tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên quan trọng. Các quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển) đã tiến khá xa về tính bền vững, không phải vì người tiêu dùng cuối cùng có ý thức hơn mà họ cũng có yêu cầu tương tự khi lựa chọn sản phẩm.

Theo ông Richard Mellgren, điều này cũng sẽ trở thành bắt buộc đối với các công ty lớn hơn cũng như một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải theo dõi lượng phát thải ở phạm vi 1 và 2 của họ (trong một số trường hợp nhất định cũng là phạm vi 3) như một phần của Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) có hiệu lực ở EU vào năm Tháng 1 năm 2024. Và tất nhiên, tiếp tục tận dụng hơn nữa cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Tin bài liên quan