Dừng hoàn toàn xe chạy bằng xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với ngành giao thông đường bộ sẽ được chia thành hai giai đoạn.
Từ năm 2022 - 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thúc đẩy phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Trong đó, đáng chú ý, từ năm 2025-2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu.
Từ năm 2031 - 2050, ngành giao thông vận tải hướng đến mục tiêu đến năm 2040 từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh. Chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trong khu vực, Thái Lan cũng đã đề ra mục tiêu dừng bán ô tô, xe máy chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035.
Cần yếu tố nào để xe máy điện thay thế hoàn toàn xe xăng?
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tiên phong trong xu thế chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện, ô tô điện như Vinfast, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) với dòng xe máy điện thương hiệu Evgo.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải mà Chính phủ vừa phê duyệt mở ra động lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất xe điện. Để xe máy điện có thể thay thế hoàn toàn xe máy chạy bằng xăng cần có sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố tiên quyết là chính sách, thứ hai là sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, thứ ba là sự đồng thuận của người dân và thứ tư là hạ tầng.
Một số doanh nghiệp đã tiên phong trong xu thế chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện như Sơn Hà với thương hiệu xe EVgo. |
Về sự sẵn sàng của doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng, doanh nghiệp tập trung sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt mẫu mã đẹp, có giá hợp lý, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là sản phẩm có sẵn cùng dịch vụ tốt.
Về hạ tầng, cần có hệ thống trạm sạc, kết nối thông minh 4.0 và tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng các app giúp người dùng tìm kiếm điểm trạm sạc gần nhất, thậm chí có thể khai thác các dịch vụ cung cấp cho người cần thuê xe máy điện hoặc người cho thuê xe máy điện trên app.
“Nếu không thay đổi chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới. Sự sẵn sàng của doanh nghiệp là điều cần thiết và truyền thông để người dân hiểu xu hướng tiêu dùng để cuộc cách mạng thay đổi từ xe xăng sang xe điện diễn ra thuận lợi và nhanh hơn”, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Hà chia sẻ.
Hiện nay trên thế giới có 4 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Trong đó Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia đều đã tự sản xuất xe điện và không có bóng dáng xe máy điện nước ngoài tại các thị trường này.
Tại Việt Nam, Vinfast đã tiên phong, Sơn Hà cũng đặt mục tiêu nằm trong Top 3 doanh nghiệp sản xuất xe máy điện tại Việt Nam.
Sơn Hà sẽ ra mắt một số mẫu xe mới vào cuối năm nay. |
"Đầu năm đến nay sản lượng xe máy điện của Sơn Hà tiêu thụ rất mạnh, sản xuất ra không kịp cung cấp cho các đại lý. Chúng tôi hiện đang tăng tốc trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, tăng ca nâng cao năng suất, tăng cường mua vật tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sơn Hà dự kiến sẽ ra mắt 3 mẫu xe điện mới từ nay đến cuối năm", ông Tân cho biết.
Triển vọng phát triển của xe máy điện rất lớn và dư địa tăng trưởng của ngành này còn rộng, trong khi kể từ năm 2025 sẽ không sản xuất, nhập khẩu xe máy chạy bằng xăng tiến tới đến năm 2050 thay thế hoàn toàn bằng xe điện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ sẵn sàng cung ứng chất lượng tốt nhất.
Ngoài xu hướng chuyển dịch dùng xe máy điện thân thiện với môi trường thì còn một yếu tố quan trọng nữa đáng lưu tâm là sự an toàn. Một thống kê chỉ ra của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong 9 tháng đầu năm 2018 có đến 90% số vụ tai nạn gây tử vong đến từ người điều khiển mô tô, xe máy. Trong khi đó, xe máy điện được thiết kế kỹ thuật hạn chế tốc độ, có những nơi như Trung Quốc hạn chế tốc độ dưới 50km/h với xe máy điện đã giảm hẳn tai nạn giao thông.
Xe máy điện phục vụ cho các nhu cầu đi lại với quãng đường giao thông đô thị, nông thôn với tốc độ có thể điều chỉnh dễ dàng, đảm bảo an toàn trong khi đó với xe xăng phần đa số vụ tai nạn liên quan đến xe máy chạy bằng xăng do người dùng không khống chế được tốc độ tối đa gây ra tai nạn, đặc biệt ở nhóm người dùng trẻ, học sinh, sinh viên.