Sai lầm sẽ bị trả giá
Một căn hộ chung cư 91 m2, giá 1,4 tỷ đồng ở thành phố với nhiều người có điều kiện kinh tế không phải là quá lớn lao, nhưng với Huyền Lê, đây là cả gia tài mà vợ chồng chị tích cóp bao năm.
Gần 500 triệu đồng là số tiền mà hai vợ quê vùng cao này tích cóp được sau 10 năm lập nghiệp ở thành phố. Cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ nội ngoại khoảng 300 triệu đồng và vay thêm ngân hàng 600 triệu đồng, anh chị quyết định mua một căn hộ chung cư với mong muốn chấm dứt cảnh nay đây, mai đó ở các nhà trọ.
Chưa hết vui mừng sau khi ký hợp đồng mua bán, anh chị lại thấp thỏm vì những lời ra, lời vào của người quen, bởi chung cư mà anh chị mua trước khi đổi chủ đã dính tai tiếng trong quá khứ. Chỉ cách đây không lâu, một vụ tai nạn gần chung cư anh chị mới mua cũng khiến cả hai vợ chồng tá hỏa phi xe xuống xem tình hình dự án như thế nào, liệu có ra sao hay không.
Gần đây, các vụ cháy liên tiếp xảy ra ở chung cư, nhất là vụ cháy tại Chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM) làm 13 người chết, càng khiến vợ chồng Huyền Lê thêm phần lo lắng.
“Gom góp cả đời mới dám mua một căn hộ, làm sao để trả được cả khoản nợ lớn đã là một vấn đề, giờ phải lo lắng thêm cả chuyện an toàn ở chung cư nữa thì chẳng biết sống sao. Chỉ mong chủ đầu tư mới làm đúng, làm đủ để sống an toàn để không mắc sai lầm tiền mất tật mang như nhiều người", chị Huyền Lê nói.
Áp lực tâm lý với khách hàng mua chung cư như chị Huyền Lê không phải là cá biệt, mà nó diễn ra với nhiều người thời gian qua, nhất là với người mua nhà lần đầu, khi "cháy nổ chung cư", "mất an toàn chung cư cao tầng" trở thành những cụm từ hot trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Không có con số thống kê chính xác, nhưng chỉ tính riêng quý I/2018, đường dây nóng Báo Đầu tư Bất động sản đã nhận tới cả chục cuộc điện thoại của độc giả phản ánh về tình hình mất an toàn của chung cư, như thang máy hỏng, an toàn cháy nổ… Nhiều vụ tai nạn hỏa hoạn, dù chưa đến mức thương tâm như Carina Plaza, nhưng cũng gây tâm lý hoang mang cho người mua nhà.
Tại TP.HCM, không chỉ Chung Carina, một vụ cháy khác cũng xảy ra tại Chung cư Parc Spring nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) vào ngày 1/4. Vụ cháy xuất phát từ tầng 8 do chủ nhà sạc pin dự phòng lâu ngày, kiến thiết bị này phát nổ, gây cháy, trong khi chủ nhà không có nhà. Vụ cháy dù không gây thiệt hại về người nhờ được kiểm soát tốt, nhưng cũng khiến cư dân một phen hoảng hốt.
Không chỉ tại TP.HCM, tại Hà Nội, một loạt vụ mất an toàn cũng liên tiếp xảy ra. Chẳng hạn, ngày khoảng 21h30 ngày 27/3, tại tòa chung cư A1 nằm trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, một vụ cháy xảy ra ở tầng 18 khiến người dân cũng hoảng hốt tháo chạy.
Trước đó 2 ngày, tại chung cư CT5A (Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) cũng đã xảy ra vụ cháy khiến nhiều cư dân hoảng loạn bế con chạy xuống sân.
Người mua nhà cần quan tâm nhiều hơn tới yếu tố uy tín chủ đầu tư khi mua nhà
Không chỉ mất an toàn với cháy nổ, nhiều chung cư còn mất an toàn đối với hệ thống thang máy, hay giao thông nội bộ. Chẳng hạn, ngày 11/3, tại Chung cư Thông Tấn (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra sự cố thang máy khiến 1 người mắc kẹt bên trong, người dân phải nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ mới đưa người mắc kẹt ra ngoài. Dù người mắc kẹt được giải thoát, không bị thương, nhưng sự cố thương máy này cũng khiến người dân e ngại lo sợ cho sự an toàn của mình. Một số cư dân cho biết, thang máy của tòa nhà này từ lâu đã không được bảo trì, bảo dưỡng, cũng như kiểm định.
Chủ đầu tư phải trung thực, minh bạch
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chia sẻ, nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận sẽ cố gắng tiết giảm chi phí xây dựng, thay thế các vật liệu không đúng như hợp đồng ban đầu, dẫn đến không đảm bảo một số yêu cầu kỹ thuật trong xây dựng. Việc chậm trễ, không triệt để khắc phục sự cố trong khâu xây dựng, vận hành, bảo hành quản lý nhà chung cư khi đưa vào sử dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp chất lượng nhiều khu chung cư ở Việt Nam.
Dù vậy, một phần cũng do sự thiếu hiểu biết của người mua nhà, đôi khi phó mặc vào sàn giao dịch, chỉ quan tâm đến giá và vị trí, mà không thực sự chú trọng xem ai là chủ đầu tư và được thi công bởi nhà thầu nào.
"Trên thực tế, việc tận mắt tận mắt đến xem, kiểm tra các dự án chủ đầu tư đã thực hiện trước đó với chất lượng ra sao, các dự án đã này có từng xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư trước đó hay không và nếu có, cách giải quyết như thế nào…, là nguyên tắc luôn cần phải đặt lên hàng đầu với người mua nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người mua nhà lại vô tình quên đi điều đó, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo VNREA, với những chủ đầu tư uy tín đã khẳng định được thương hiệu, được minh chứng bằng quá trình hoạt động, thể hiện trách nhiệm, cam kết nhất quán, rõ ràng với khách hàng và đối tác, người mua sẽ an tâm hơn, vì đã được các chủ đầu tư này đảm bảo bằng chính thương hiệu của họ.
Các chủ đầu tư này cũng thường chọn hợp tác với các đơn vị phân phối bất động sản uy tín, chuyên nghiệp để phân phối dự án của mình. Họ sẽ hiểu rằng, chỉ có xây dựng thương hiệu bền vững, thì mới đảm bảo công tác bán hàng, đem lại hiệu quả kinh doanh bền vững. Chỉ một sai lầm nhỏ, họ sẽ phải trả giá rất đắt về sau.
Đồng quan điểm, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, việc quan trọng khi xây dựng thương hiệu dự án mới là phải tạo được lý do để khách hàng tin tưởng dự án. Có thể thực hiện điều này dựa trên uy tín của các đối tác, đơn vị tham gia thực hiện dự án, như nhà thầu thi công, đơn vị thiết kế, công ty phân phối hay quản lý đã có danh tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, hơn tất cả, chủ đầu tư phải có trách nhiệm với sản phẩm mình tạo ra, bởi giá trị thương hiệu đôi khi không chỉ một dự án, mà phải nhiều dự án triển khai thành công, được đánh giá cao từ khâu bán hàng đến hậu mãi thì mới có được.
Ngoài ra, cũng rất cần thiết kiểm soát tình trạng loạn thông tin do các môi giới bất động sản tạo ra. Đây là vấn đề từng xảy ra ở nhiều dự án và điều này có phần gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu dự án. Để tránh xảy ra tình trạng này, chủ đầu tư cũng như sàn giao dịch, bộ phận bán hàng phải quán triệt thống nhất trước khi tung sản phẩm ra thị trường để đảm bảo thông tin chính xác và trung thực khi đến khách hàng.
"Bản thân Phú Long với các dự án từ Dragon City đến Dragon Village mới ra mắt thị trường cách đây không lâu đều tuân thủ theo những nguyên tắc như vậy. Chỉ có bán đúng, bán đủ và truyền thông minh bạch những gì mình có mới tạo ra được một sản phẩm tốt, được nhiều người đón nhận", ông Cường nhấn mạnh và chia sẻ thêm, về phía người mua, phải sáng suốt trong điều kiện kinh doanh bất động sản tại Việt Nam hiện nay nhiều chủ đầu tư còn bán hàng qua sàn giao dịch.
Khi mua nhà dự án nào đó, có thể tìm hiểu thông tin qua nhân viên bán hàng của các công ty môi giới. Mặt khác, cần kiểm tra lại thông tin trực tiếp qua số điện thoại phòng kinh doanh chủ đầu tư để nắm rõ thông tin.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com