Các khu công nghiệp chuyên sâu đang có nhiều cơ hội phát triển hơn .

Các khu công nghiệp chuyên sâu đang có nhiều cơ hội phát triển hơn .

Thời của khu công nghiệp chuyên sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giai đoạn phát triển thiên về “bề rộng”, hiện là lúc thích hợp để Việt Nam tập trung vào “chiều sâu” với những khu công nghiệp chuyên sâu, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ khách thuê.

“Tiến hóa” cùng thị trường

Sau khoảng 30 năm, Việt Nam đã có được một thị trường khu công nghiệp tương đối đầy đủ, hoàn thiện các phân khúc sản phẩm, với độ phủ 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bước đầu, đã có các khu công nghiệp hiện đại, được quy hoạch đồng bộ và đáp ứng tốt các đòi hỏi ngày càng khắt khe từ khách thuê đa quốc gia.

Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách thuê mới trong quá trình tái thiết lập chuỗi cung ứng, đòi hỏi sự chuyển đổi các khu công nghiệp kiểu cũ thành các khu công nghiệp theo mô hình mới xanh hơn, sinh thái hơn, tuần hoàn hơn, bền vững hơn… đang ngày càng rõ rệt.

Bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối Thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam đánh giá, thời gian qua, Việt Nam còn thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực thâm dụng lao động, gia công lắp ráp với chất lượng dòng vốn chưa cao, nhưng gần đây có sự thay đổi khá rõ khi có nhiều hơn các nhà đầu tư mang công nghệ, dây chuyền hiện đại tới Việt Nam đặt nhà máy, mở rộng sản xuất.

Theo chuyên gia JLL Việt Nam, có thể chia sự phát triển của các khu công nghiệp thành 3 mức: Đang phát triển, đã phát triển (trưởng thành) và thị trường cấp cao. Các nước Đông Nam Á cơ bản thuộc nhóm đang phát triển, còn cấp cao chủ yếu từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thị trường khu công nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn đang phát triển và tiến sang giai đoạn trưởng thành. Trong xu hướng phát triển chủ đạo là tập trung vào yếu tố tự động hóa, hướng đến các ngành công nghệ cao, các khu công nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, từ “bề rộng” (chú trọng tỷ lệ lấp đầy hơn là chất lượng dòng vốn) sang “chiều sâu”, nâng cao chất lượng dòng vốn.

“Một trong các đối thủ nặng ký của Việt Nam trong thu hút FDI là Thái Lan đã rất thành công khi trở thành địa chỉ được nhiều nhà đầu tư ngành ô tô tìm đến”, ông Trương An Dương - Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam nêu dẫn chứng và cho biết thêm, tại Thái Lan, các ngành logistics, công nghiệp ô tô… phát triển tốt vì quốc gia này chú trọng công nghiệp dịch vụ.

Thậm chí, cả với việc “may đo” theo nhu cầu khách thuê, các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp xứ “chùa Vàng” cũng đã làm từ khá sớm và làm tốt. Đây chính là lý do khi nhắc đến mảng logistics, công nghiệp ô tô…, nhiều nhà đầu tư quốc tế thường nghĩ ngay đến Thái Lan.

“Để phục vụ 40 triệu khách du lịch hàng năm, Thái Lan cần nhiều nhà kho để dự trữ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho du khách, từ đó kích thích thị trường kho vận. Đây là điểm khác biệt với Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.

Triển vọng mô hình khu công nghiệp mới

Ghi nhận từ các thành viên thị trường, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam đang có được nhiều thuận lợi để chuyển đổi mô hình trong các khu công nghiệp, trong đó mô hình khu công nghiệp chuyên sâu được tính đến (đáp ứng nhu cầu từng nhóm khách thuê theo quốc tịch, ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản…, hay theo nhóm ngành nghề điện tử, bán dẫn, ô tô…).

Các khu công nghiệp chuyên sâu đang có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Các khu công nghiệp chuyên sâu đang có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Hành lang pháp lý dần hoàn thiện, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra mạnh mẽ mà Việt Nam là quốc gia hưởng lợi… đang giúp thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư chất lượng cao, điều này vừa là yếu tố thuận lợi, vừa mang tính thúc bách sự chuyển đổi mô hình của các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc, Công ty SLP Việt Nam cho hay, trên thực tế, các khu công nghiệp chuyên sâu đã xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua, ví dụ như các dự án của Sumitomo, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, hay các khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đà Nẵng, TP.HCM… Tuy nhiên, điều quan trọng là để có được các khu công nghiệp chuyên sâu và thu hút được dòng vốn chất lượng cao thì thị trường phải có hệ sinh thái phù hợp.

“Cần khiến nhà đầu tư nghĩ rằng Việt Nam là điểm phải đến đầu tư ở lĩnh vực nào đó, như khi đầu tư mảng ô tô, người ta sẽ nghĩ đến Thái Lan. Môi trường vĩ mô sẽ tạo ra sự chuyên biệt. Tính cạnh tranh về mặt vĩ mô để kéo nhu cầu đầu tư về là rất quan trọng.

Chúng tôi và một số chủ đầu tư khác có nguồn lực để phát triển khu công nghiệp chuyên biệt, nhưng quan trọng là phải có môi trường vĩ mô phù hợp tạo nhu cầu cho nhà đầu tư”, ông Nam nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng, muốn có được các khu công nghiệp chuyên sâu, hành lang cơ chế là rất quan trọng, bởi một nhà đầu tư sẽ chỉ muốn rót vốn khi nhận thấy khu công nghiệp đó có hệ thống doanh nghiệp vệ tinh tốt.

Bà Vân Nguyễn đưa ra dự báo, trong thời gian tới, thị trường khu công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng chuyên biệt, theo chiều sâu… để định vị là một thị trường tiến bộ, từ đó gia tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.

Tuy nhiên, chuyên gia JLL Việt Nam cũng cảnh báo, Việt Nam thực chất chưa vẽ ra được bức tranh, định vị được mình mạnh trong mảng miếng, lĩnh vực nào trên bản đồ sản xuất thế giới, ngoài lợi thế nằm gần Trung Quốc, nên cần có sự tính toán để tạo sự khác biệt. Còn về cơ chế, các vấn đề quy chế, quy trình, vĩ mô… đã thông thoáng và có những sự hỗ trợ, nhưng tốc độ còn chậm so với các nước trong khu vực.

“Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, nhưng các tập đoàn quốc tế vẫn cần vệ tinh và Việt Nam với điểm cộng vị trí vẫn có lợi thế. Nhưng nếu khách hàng mang các tiêu chuẩn, quy trình, thời gian thực hiện dự án bên Trung Quốc áp sang Việt Nam thì chúng ta chưa đáp ứng được”, bà Vân Nguyễn cho hay.

Còn theo ông Trương An Dương, nhìn vào các dự án có khả năng lấp đầy tốt mà Frasers Property Vietnam đã triển khai, có thể khẳng định khả năng thu hút các nhà sản xuất về Việt Nam là rất tốt. Các chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, bán dẫn… đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, cùng với đó, tính cạnh tranh và sự chuẩn bị cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn.

“Lấy ví dụ với ngành ô tô hay bán dẫn, đây đều là các ngành đòi hỏi nhiều về trình độ nhân sự, hạ tầng điện, viễn thông... Đây đang là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam”, ông Dương nói.

Tin bài liên quan