Tham vọng lớn của AEON
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - AEON, vào chiều ngày 2/11 đã chính thức công bố kế hoạch mở cửa AEON MALL Hải Phòng vào trung tuần tháng 12 tới. Đây là AEON MALL thứ 6 của AEON tại Việt Nam.
“Từ năm 2018, AEON đã quyết định Việt Nam sẽ là thị trường chiến lược ở châu Á, và chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống của mình tại Việt Nam”, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc AEON MALL Việt Nam cho biết.
Sau 3 trung tâm thương mại lớn ở khu vực phía Nam, AEON đã tiến quân ra thị trường phía Bắc, bắt đầu với AEON MALL ở Long Biên, sau đó là Hà Đông (Hà Nội), Lê Chân (Hải Phòng) và đang chuẩn bị với AEON Hoàng Mai (Hà Nội). “Trạm” kế tiếp sẽ là TP.HCM, khi trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mới đây, thỏa thuận đầu tư xây dựng AEON MALL tiếp theo đã được ký kết, với vốn đầu tư 250 triệu USD.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn khảo sát, chuẩn bị, dự kiến trong vòng 1 năm, sẽ xây dựng trung tâm thương mại mới ở TP.HCM. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi chưa thể công bố địa điểm cụ thể, cũng như các kế hoạch chi tiết”, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư, ông Nakagawa Tetsuyuki đã nói như vậy.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, AEON MALL đã lên kế hoạch đầu tư 20 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam tới năm 2025. Kế hoạch này, theo ông Nakagawa Tetsuyuki, đang gặp nhiều khó khăn, song AEON “vẫn kiên trì mục tiêu này” và sẽ cố gắng đẩy nhanh quá trình xây dựng các AEON MALL tại Việt Nam.
Cùng đầu tư với AEON MALL, AEON Việt Nam cũng liên tiếp mở các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON trong các trung tâm thương mại lớn này. Tuy nhiên, theo ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, trong thời gian tới, AEON Việt Nam sẽ mở rộng thêm nhiều cửa hàng chuyên doanh bên ngoài trung tâm mua sắm để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, cũng như mang AEON tới gần hơn với khách hàng tại các khu vực khác.
Trong đó, AEON MaxValu, vốn được phát triển rất mạnh tại Thái Lan, cũng sẽ được đẩy mạnh tại Việt Nam. Hiện tại, các AEON MaxValu đầu tiên đã được triển khai ở Hưng Yên và Hà Nội. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc mở rộng chuỗi siêu thị này trong thời gian sớm nhất, với khoảng 100 siêu thị ở Hà Nội”, ông Nakagawa Tetsuyuki nói và AEON Việt Nam, sau một thời gian quan sát và nghiên cứu thị trường đã nhận ra rằng, thị trường Hà Nội rất tiềm năng nhưng lại ít mô hình siêu thị hiện đại.
Thêm vào đó, càng ngày, lối sống, nhu cầu, mô hình cạnh tranh càng thay đổi. “Vì thế, chúng tôi cũng phải thay đổi mô hình để đáp ứng nhu cầu đó”, ông Nakagawa Tetsuyuki nói.
Như vậy, tham vọng của AEON tại Việt Nam không chỉ là phát triển các trung tâm thương mại lớn, bao gồm cả các trung tâm bách hóa lớn đi kèm, mà còn là hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng chuyên doanh mang thương hiệu AEON. AEON sẽ sớm “phủ sóng” thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thời của các nhà bán lẻ Nhật Bản
Thị trường bán lẻ Việt Nam, với quy mô 100 triệu dân, được đánh giá là một “miếng bánh” béo bở. Đó là lý do vì sao, ngay khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực này đã đổ bộ vào Việt Nam, từ Metro Cash&Carry, đến Auchan, rồi BigC, Lotte…
Có kẻ ở, người đi, có những cuộc chia tay vội vã nhưng sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn vô cùng lớn. Vì thế, bên cạnh các nhà bán lẻ nội địa, thì các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đang đua nhau vào Việt Nam. Trong làn sóng đó, các nhà bán lẻ Nhật Bản đang tăng tốc, vượt lên để chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài AEON đang gia tăng ảnh hưởng ở thị trường Việt Nam, mùa Thu năm nay, UNIQLO, một tên tuổi khác của Nhật Bản cũng đã liên tiếp mở thêm 2 cửa hàng ở Hà Nội. Như vậy chỉ từ đầu năm tới nay, bất chất Covid-19, hãng thời trang nổi tiếng Nhật Bản này đã mở 3 cửa hàng ở Hà Nội, và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm các cửa hàng khác ở Hà Nội và TP.HCM trong vòng 3-5 năm tới.
“Việc chúng tôi liên tiếp mở cửa hàng tại Việt Nam là dựa trên tiềm năng của thị trường, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% trong những năm gần đây, dân số trẻ, năng động. Hơn nữa, tại Việt Nam, chúng tôi còn có nhà máy sản xuất. Việc mở cửa hàng tại nơi sản xuất sẽ tạo thuận lợi trong kinh doanh, giảm thời gian và chi phí đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam nói.
Trong khi đó, trung tuần tháng 10 vừa qua, cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi cũng đã mở cửa đón khách ở Vincom Đồng Khởi (TP.HCM). Nhẽ ra, Matsumoto Kiyoshi Holdings đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sớm hơn, song đã phải hoãn lại 6 tháng vì dịch Covid-19.
Theo kế hoạch được công bố từ cuối năm ngoái, Matsumoto Kiyoshi dự kiến mở khoảng 10 cửa hàng chuẩn có diện tích 500-2.000 m2 trong vòng 3-5 năm tới tại các đô thị lớn Việt Nam. Chưa kể, còn có hàng trăm cửa hàng khác để mở rộng độ phủ.
Tham vọng của Matsumoto Kiyoshi không hề nhỏ, và có lẽ cũng giống với một thương hiệu khác - Muji. Cuối tháng 7 vừa qua, cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam của chuỗi bán lẻ Nhật Bản này đã chính thức mở cửa tại Parkson Lê Thánh Tôn, TP.HCM. Tất nhiên, Muji không tới Việt Nam chỉ để mở một cửa hàng duy nhất.
Trong khi đó, liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Sumitomo đang mở rộng hệ thống siêu thị FujiMart. Còn Takashimaya, Family Mart, MiniStop, 7-Eleven… cũng đang tăng tốc chiếm lĩnh thị trường.
Có một điểm thú vị, đó là các nhà bán lẻ Nhật Bản đang phát triển rất nhanh chóng các siêu thị cỡ nhỏ. Và đó là cách để các thương hiệu Nhật, vốn được người Việt Nam tin dùng, chiếm lĩnh thị trường.
Chứng kiến các nhà bán lẻ Nhật Bản lần lượt vào Việt Nam, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, đã nói rằng, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để các tập đoàn Nhật Bản mở rộng mô hình kinh doanh tại Việt Nam.
Thực tế, vì Covid-19, trong khi các nhà đầu tư khác còn phân vân, thì các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiến tới. Ngay như UNIQLO, giữa lúc Covid-19 đang diễn biến căng thẳng nhất, vẫn liên tiếp mở các cửa hàng mới.
Còn AEON Việt Nam, có vẻ cũng không ngại Covid-19, khi cho biết, trong đại dịch, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các trung tâm bách hóa và siêu thị AEON Việt Nam đã đẩy mạnh dịch vụ bán hàng online, dịch vụ mua hộ, dịch vụ giao hàng tận nơi.
“Hơn nữa, trong khó khăn cũng ló ra các cơ hội mới. Ví dụ, các mặt hàng vệ sinh, khử trùng… lại bán rất tốt”, ông Nakagawa Tetsuyuki nói.