Thời cơ vàng của Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Ninh - “Việt Nam thu nhỏ”, những năm qua đã trỗi dậy mạnh mẽ và giờ đây đang tiếp tục có cơ hội vàng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.
Quảng Ninh là một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Trong ảnh: Nhà máy của Foxconn tại Quảng Ninh

Quảng Ninh là một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Trong ảnh: Nhà máy của Foxconn tại Quảng Ninh

Bước chuyển mình ngoạn mục

Hai tháng trước, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã chính thức được khánh thành trong niềm hân hoan của đông đảo người dân Quảng Ninh, các nhà đầu tư và cả Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người đã từng có thời gian là nhà lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh.

“Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là khát vọng, là niềm tin của người dân Quảng Ninh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói như vậy.

Tuyến cao tốc này hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ như trước đây, mà còn liên thông với hai cao tốc Bạch Đằng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn thành trục dài 176 km, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số ki-lô-mét đường cao tốc lớn nhất cả nước.

10 năm trước, nếu nói về chuyện này, tưởng chỉ là “trong mơ”. Thời điểm đó, muốn đi từ Hà Nội đến Hạ Long phải mất 5 - 6 tiếng, đường xấu và khó đi. Đi Móng Cái còn khó khăn gấp bội.

Thế nên, năm 2012, khi Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở tầm quốc tế, một nhà đầu tư nước ngoài đã thật tâm chia sẻ, điểm nghẽn lớn nhất của Quảng Ninh chính là hạ tầng giao thông. “Hai mươi năm ở Việt Nam, lúc nào tôi cũng thấy con đường tới Hạ Long đang sửa chữa”, nhà đầu tư đó đã nói như vậy.

Giao thông khó khăn đã cản trở các nhà đầu tư tìm đến Quảng Ninh. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. Quảng Ninh giờ đã khác, thậm chí không chỉ “khác”, mà là một bước chuyển mình ngoạn mục.

“Giao thông tới Quảng Ninh bây giờ rất thuận lợi”, tất cả nhà đầu tư, thậm chí các du khách tới Hạ Long, tới Quảng Ninh những năm gần đây đều nói như vậy.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Quảng Ninh mạnh dạn đầu tư con đường xuyên vùng đầm lầy Quảng Yên, với một trong những điểm nhấn là cây cầu Bạch Đằng, nối liền Hải Phòng với Quảng Ninh. Từ đó tới nay, liên tiếp các công trình hạ tầng giao thông lớn - nhỏ được đầu tư xây dựng. Sân bay Vân Đồn cũng đã được một tập đoàn tư nhân dốc vốn triển khai. Các dự án giao thông kết nối, như các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội... cũng được tập trung đầu tư.

Giao thông kết nối thuận lợi, trục 176 km đường cao tốc đã phá “thế độc đạo” của tỉnh Quảng Ninh, giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đó là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh “cất cánh”.

Không chỉ tập trung đầu tư cho hạ tầng, Quảng Ninh đã đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều năm trước, Quảng Ninh đã trở thành hình mẫu trong việc xây dựng cơ chế “một cửa”, hỗ trợ đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Ninh 5 năm liền (2017 - 2021) giữ vị trí quán quân về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 9 năm liên tiếp (2013 - 2021) đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Bên cạnh đó, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) cũng duy trì 4 năm liên tiếp (2017 - 2020) đứng đầu cả nước...

Đó là lý do đưa Quảng Ninh trở thành một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Hàng loạt tên tuổi lớn, như Sun Group, Vingroup, Texhong, Foxconn, Amata, DEEP C, Jinko... đã tìm đến đây và góp phần quan trọng thay đổi diện mạo, mang đến sự phát triển thần tốc cho Quảng Ninh.

Viết tiếp “điều kỳ diệu”

Một bộ hồ sơ đồ sộ, trong đó, chỉ riêng Báo cáo thuyết minh Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã dày tới gần 700 trang, mới đây đã được UBND tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuẩn bị cho việc trình Chính phủ phê duyệt. Khi Quy hoạch được thông qua, thì đó cũng chính là lúc Quảng Ninh bắt đầu viết “câu chuyện phát triển mới trong thời kỳ mới”.

Bốn tháng trước đây, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, với số phiếu tuyệt đối 25/25. Có 21 phiếu trong số này đồng ý với điều kiện cần giải trình, bổ sung, nên 4 tháng qua là thời gian tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.

“Sẽ cần phải giải trình, bổ sung, nhưng tôi mong rằng, thực hiện Quy hoạch, Quảng Ninh sẽ viết nên câu chuyện phát triển mới trong thời kỳ mới và làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, vào thời điểm đó đã nói như vậy.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, những năm qua, Quảng Ninh đã trỗi dậy rất mạnh mẽ và chắc chắn, đã đi lên từ đó, từ quy hoạch, từ việc kịp thời và nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Năm 2011, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh thứ hai đi theo bước chân của Ninh Thuận. “Chịu chi” và có điều kiện hơn, nên Quảng Ninh đã thuê tư vấn nước ngoài làm tới 7 quy hoạch một lúc, bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch môi trường; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực...

Năm 2014, cả 7 quy hoạch này được công bố chính thức. Kèm theo đó là Danh mục 48 dự án động lực. Đây chính là nền tảng cơ bản cho sự bứt phá ngoạn mục của Quảng Ninh trong gần 1 thập kỷ qua.

Giai đoạn 2016 - 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh luôn đạt mức hai con số. 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt tới 10,12%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 - 2021, đứng thứ 3 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng…

Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, cũng như có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Quy hoạch tỉnh thời kỳ mới sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá”.

“Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được dự án tốt, nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì nói rằng, công tác quy hoạch như “người công binh mở đường”, mở đường thắng lợi thì “cuộc chiến” sẽ thắng lợi.

Với một bản quy hoạch có tầm nhìn xa, một cơ hội phát triển mới đang mở ra với Quảng Ninh.

Cơ hội vàng cho Quảng Ninh

Đầu tuần tới, theo kế hoạch, Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên sẽ ký kết Hợp đồng Bản quyền chuyển giao công nghệ với Công ty UOP (Mỹ) và Công ty Basell Polyolefin (Italia). Các hợp đồng được ký này có thể nói là bước khởi đầu quan trọng cho việc phát triển Dự án Hóa dầu Stavian Quảng Yên, mà Stavian Hóa chất đã công bố đầu tư cách đây ít tháng, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh. Khoản vốn 1,5 tỷ USD hứa hẹn đây là một dự án trọng điểm của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Quảng Ninh, trong vòng 10 năm trở lại đây, kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế vào năm 2012, đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư quốc tế. Kinh tế tăng trưởng cao, hạ tầng giao thông ngày được hoàn thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) đang được đầu tư đồng bộ và tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo tỉnh… là các nguyên nhân cơ bản khiến Quảng Ninh trở nên hấp dẫn.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,31 tỷ USD. Ngoài ra, một ngân khoản không nhỏ cũng đã được các nhà đầu tư trong nước đổ vào Quảng Ninh. Rất nhiều tên tuổi lớn đã chọn Quảng Ninh là điểm đến.

“Lý do chúng tôi chọn đầu tư vào KCN Texhong Hải Hà là vì cơ chế thu hút nhà đầu tư, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, an toàn, hấp dẫn của Quảng Ninh. Chúng tôi được đáp ứng các nhu cầu về giao thông, điện, nước, hạ tầng cũng rất thuận lợi”, ông Gu Yong Wang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam nói.

Trong khi đó, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ rằng, DEEP C nhận thấy, Quảng Ninh có những lợi thế rất riêng mà không một địa phương nào có được.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thì khẳng định, Quảng Ninh đang trở thành là điểm đến của đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

“Quảng Ninh thời gian qua thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tăng trưởng kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Địa phương đang là hình mẫu cho cả nước trong việc huy động nguồn lực chuyển hướng phát triển nền kinh tế từ nâu sang xanh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư, đã làm được những điều kỳ diệu trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh chắc chắn sẽ còn tạo được những bước đột phá nữa trong tương lai, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương.

Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Còn tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Các mục tiêu cụ thể cũng đã được đặt ra, đó là tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, với GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD. Quảng Ninh cũng dự kiến tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Tin bài liên quan