Nồng nhiệt với trái phiếu hàng không
Chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi dịch COVID-19 lan ra toàn cầu, ngành hàng không đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều hãng phải cắt giảm các chuyến bay theo yêu cầu của nhà chức trách để phòng chống dịch.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại cho rằng thời gian này là thời cơ tốt để đầu tư vào trái phiếu hàng không.
Boeing đã bán được 25 tỉ USD trái phiếu vào hồi tháng 5 vừa qua – một con số kỉ lục chưa từng có trong ngành hành không.
Trước đó, một kỷ lục khác đối với các hãng hàng không là việc Delta Air Lines (Mỹ) thu được 3,5 tỉ USD từ phát hành trái phiếu có đảm bảo với thế chấp là các slot bay ở sân bay Heathrow và New York. Ngay sau đó, hãng tiếp tục bán tiếp 1,25 tỉ USD trái phiếu không đảm bảo với lãi suất lên đến 7,37%.
“Các nhà đầu tư không quá quan tâm đến tình hình hiện tại mà họ tập trung vào việc các công ty sẽ thế nào khi dịch được khống chế,” Kevin Foley, trưởng ban thị trường vốn vay của JPMorgan, nói với tờ Wall Street Journal.
Theo phân tích của Công ty tư vấn đầu tư Seahawk Investment, giới đầu tư đang hưởng ứng khá nồng nhiệt với các đợt niêm yết trái phiếu của ngành hàng không, thường là với lãi suất đang ở mức rất hấp dẫn.
Lí do là bởi các hãng hàng không đều đang trong quá trình tái cơ cấu vốn nên các nguy cơ thanh khoản ngắn hạn hầu như sẽ bị loại trừ. Thêm vào đó, các hãng bay dự kiến sẽ sớm có dòng tiền tự do dương trở lại vào năm 2021 nên các rủi ro tín dụng cũng sẽ được cải thiện trong vòng 12 tháng tới, theo Seahawk Investment.
Tại Việt Nam, theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hãng hàng không chi phí thấp Vietjet Air đã phát hành 6 triệu trái phiếu doanh nghiệp trị giá 600 tỉ đồng và đang có kế hoạch phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp trị giá 2000 tỉ.
Đây là sự nỗ lực của hãng trong việc tăng thêm một phần nguồn tiền để giải quyết thanh khoản cho hàng không. Thông tin này đang được các nhà đầu tư đón nhận một cách rất tích cực.
Một nhà đầu tư cho biết anh theo dõi thấy Vietjet đã triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Hãng cũng tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20% - 45% tùy nhà cung cấp.
Đặc biệt, Vietjet có tỉ lệ nợ vay thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, nhờ vậy hãng tiếp tục thực hiện kế hoạch vay vốn dài hạn để tăng cường nội lực vượt qua khủng hoảng.
Hàng không sẽ phục hồi trong năm 2021
Theo Công ty tư vấn đầu tư Seahawk Investment, sang năm 2021, các hãng hàng không sẽ có khả năng hồi phục khoảng 80% doanh thu so với mức năm 2019. Dự báo kém khả quan nhất thì mức hồi phục cũng sẽ đạt 70%.
Cũng theo Seahawk Investment, quản lý chi phí và khả năng thanh khoản sẽ tiếp tục là thách thức lớn nhất cho các hãng hàng không trong năm 2021.
Chi phí nhiên liệu và nhân lực là hai loại chi phí lớn nhất của các hãng máy bay, chiếm lần lượt khoảng 20-25% trong tổng chi phí hoạt động của các hãng. Tuy nhiên, do cấu trúc hoạt động khác nhau, các hãng hàng không chi phí thấp thường có chi phí nhân lực trên tổng doanh thu bán vé thấp hơn so với các hãng hàng không truyền thống.
Giá dầu giảm mạnh từ đầu năm đến giờ giúp các hãng hàng không chi phí thấp hưởng lợi lớn hơn so với các hãng bay truyền thống.
Thêm vào đó, theo Seahawk Investment, với mô hình kinh doanh và hoạt động hiệu quả, có ít các đường bay quốc tế và tỷ lệ nợ thấp, các hãng bay chi phí thấp sẽ không chỉ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn hồi phục nhanh hơn một khi dịch bệnh được kiểm soát.