Mục đích của chàng trai người Nhật 24 tuổi không đơn thuần là học tiếng Việt. Anh được Tập đoàn Mitsu-bishi, một trong những tập đoàn công nghiệp lâu đời tại Nhật Bản, cử đi tìm hiểu thị trường Việt Nam để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư của Tập đoàn vào thị trường mớ mẻ nhưng nhiều tiềm năng này.
“Vào thời điểm đó, Việt Nam tương tự như Myanmar bây giờ, đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu và có rất ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Tetsu hồi tưởng.
Hết 15 năm học tập và làm việc tại Việt Nam, Tetsu Funayama về Nhật Bản để rồi 7 năm sau trở lại, anh vô cùng ngạc nhiên với những thay đổi tích cực tại đây. Chàng thực tập sinh trẻ ngày nào giờ đã bước sang tuổi U60, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsu-bishi Việt Nam. Tetsu Funayama đang ấp ủ hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy đầu tư nhằm tìm kiếm lợi ích từ tiềm năng lớn của đất nước mà ông đã xem là quê hương thứ hai.
Dù vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết, song rõ ràng, Việt Nam đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục
- Tetsu Funayama
“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với 26 năm trước, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường kinh doanh, nhờ các chính sách cải cách tích cực của Chính phủ. Tôi thực sự rất ấn tượng với những thay đổi này. Kể từ năm 1993 là thời điểm đầu tiên tôi đến Việt Nam cho đến nay, tổng GDP của Việt Nam sau 1/4 thế kỷ đã tăng 18 lần, GDP bình quân đầu người tăng 13 lần, đặc biệt tăng nhanh nhất từ năm 2001 trở lại đây. Dù vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết, song rõ ràng, Việt Nam đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục”, Tetsu Funayama chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Vị Chủ tịch Mitsubishi Việt Nam cho hay, tập đoàn của ông đang tìm kiếm những thay đổi tích cực trong hệ thống chính sách và khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, đặc biệt là quan hệ đối tác công - tư (PPP) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư các dự án trong tương lai. Ông cũng hào hứng tiết lộ các kế hoạch lớn vào hàng loạt lĩnh vực, từ xây dựng cơ sở hạ tầng sân bay và đường sắt, đô thị hóa cho đến chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và nông nghiệp công nghệ cao, chế biến dược phẩm trên khắp Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành xu thế mới được Chính phủ tập trung thúc đẩy tại Việt Nam, ông Tetsu cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để Mitsubishi đẩy nhanh đề xuất dự án hợp tác với Viện Nghiên cứu công nghệ cao Hòa Lạc nghiên cứu về công nghệ lái xe tự động, mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam trong tương lai không xa.
Câu chuyện của người đại diện cho một trong những tập đoàn kinh tế lớn từ xứ sở Mặt trời mọc đã đầu tư vào Việt Nam ngay từ những ngày đầu đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, mở cửa và hội nhập đã truyền lửa cho nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến sau. Dòng vốn từ Nhật Bản đã liên tục đổ vào Việt Nam sau đó, đưa nước này trở thành một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất.
Ông Hironobu Kitagawa, nguyên Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội chia sẻ, thời điểm năm 2017, mặc dù có 5 rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam mà Jetro liên tục đưa ra trong các báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Việt Nam lập kỷ lục mới, trên 8,6 tỷ USD.
Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục với 367 dự án. Không chỉ ngành chế biến, chế tạo, mà dòng vốn đầu tư đã đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên những dự án về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện.
“Chúng tôi chưa từng nhìn thấy sự nản lòng trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại đây, quả thực là một kết quả rất ngoạn mục”, ông Hironobu Kitagawa nhận xét.
Người Nhật vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội được mở ra từ tiến trình hội nhập của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA khác được ký kết.
Với niềm phấn khởi đưa vào khai trương giai đoạn 1 sớm hơn tiến độ kế hoạch ngay trong những ngày cuối năm, ông Goki Nobuta, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết, hiện khu công nghiệp đã có 8 nhà đầu tư từ Nhật Bản và đang chờ đón nhiều nhà đầu tư khác cũng từ Nhật vào sản xuất - kinh doanh.
Dự kiến, khi hoàn thành (cả hai giai đoạn), khu công nghiệp này sẽ thu hút được khoảng 80 dự án đầu tư trong các lĩnh vực như công nghệ cao sản xuất động cơ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác... với tổng quy mô lao động lên tới 30.000 người.
“Đây là khu công nghiệp thứ 3 của chúng tôi tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật dường như vẫn đang ngày càng tăng mạnh và đây chính là động lực để chúng tôi sớm hoàn thành giai đoạn 2 của khu công nghiệp”, ông Goki Nobuta chia sẻ.
Không riêng dòng vốn từ Nhật Bản, thông tin được ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư từ Đài Loan đang tích cực tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Thạch Thụy Kỳ, có nhiều bạn cũ tìm đến gặp ông để tìm hiểu về môi trường đầu tư. Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan thường xuyên ghé Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư tại Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Họ đều ấn tượng với hạ tầng ở những khu này. Đây là những tín hiệu tích cực cho xu hướng thu hút đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam trong năm 2019. Ngoài sự gần gũi về văn hoá, ẩm thực và phong tục tập quán thì nguồn lao động giá rẻ dồi dào và sự hội nhập sâu rộng mạnh mẽ của Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại tự do chính là những lợi thế của Việt Nam được doanh nghiệp Đài Loan lựa chọn.
“Trong số 47.000 dự án đang hoạt động tại Trung Quốc, nhiều chủ dự án có ý định dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài, Việt Nam đang dẫn đầu danh mục những địa điểm đầu tư được cân nhắc", ông Kỳ nói.
Tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầy sức hấp dẫn với dòng vốn mới và cả dòng vốn và công nghệ đang chuyển dịch từ các thị trường khu vực.
Trong xu thế này, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là thời cơ để Việt Nam bứt phá, không lệ thuộc về thương mại và đầu tư vào một vài quốc gia, một vài thị trường, mà quan trọng hơn là bứt lên về trình độ công nghệ để tiến tới bắt kịp và tiến cùng các nền kinh tế phát triển cao hơn.
Năm 2018, vốn FDI giải ngân đạt 19 tỷ USD, tăng 9,1%. Đây là con số hết sức tích cực và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn vốn đầu tư này sẽ bổ sung năng lực mới cho nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng; đồng thời cho thấy những rào cản, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đã được cải thiện, khắc phục rất nhiều. Nó cũng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường, đối với thể chế, đối với chính sách của Chính phủ.
Đây là thời điểm tốt để chúng ta điều chỉnh chính sách và chiến lược trong thu hút đầu tư nhằm thu hút dòng vốn và công nghệ mới, thân thiện môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững và tạo sự lan tỏa nhiều hơn cho các ngành, các địa phương, vùng miền.