Mở cửa để trở lại trạng thái bình thường
Tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức chiều 24/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tính đến ngày 23/1, du lịch Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 82 cơ sở lưu trú du lịch, 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ, 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn I.
Khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. “Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam”, ông Khánh cho hay.
Chia sẻ về kết quả này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, con số khách quốc tế đến Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhưng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, mang tiếng nói mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn và thân thiện, mến khách. Đặc biệt, 2 năm qua, Việt Nam còn sở hữu nhiều danh hiệu cao quý như: điểm đến văn hóa, điểm đến di sản, đểm đến ẩm thực, điểm đến golf của thế giới… do các hiệp hội, tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
“Tất cả những điều đó càng làm tăng thêm động lực để Việt Nam nói chung, những người làm du lịch nói riêng có thêm quyết tâm phục hồi thị trường du lịch quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Nhằm phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ VHTT&DL đề xuất từ nay đến ngày 30/4, tiếp tục Chương trình thí điểm đón du khách quốc tế giai đoạn II. Từ ngày 1/5, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Thời cơ chín muồi
Ông Nguyễn Trùng Khánh lý giải, đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì việc triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế. Từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng.
Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tương đối cao.
Bộ VHTT&DL kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ triển khai hiệu quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tiến tới mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 1/5/2022. Đồng thời cho phép khôi phục lại chính sách miễn thị thực đối với các thị trường du lịch quốc tế đã được áp dụng trước năm 2020 và áp dụng thị thực điện tử đối với khách du lịch như trước đây.
Bên lề Hội thảo, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đề xuất công bố chính thức việc mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam, TAB, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề xuất nên chọn thời điểm ngày 1/5/2022 để chấm dứt tất cả các hạn chế di chuyển cả nội địa và quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam (trùng với đề xuất của Bộ VHTT&DL).
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, du lịch, thành viên TAB cho hay, so với các nước như Singapore, Thái Lan, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế muộn hơn, nhưng việc không xuất hiện ca nhiễm nào từ các đoàn khách du lịch quốc tế cho thấy chúng ta đã thí điểm rất thành công. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải công bố chính thức việc mở cửa du lịch quốc tế.
“Chúng ta cần công bố rộng rãi ra tất cả các kênh truyền thông, đối ngoại để người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đều biết đến những chính sách, quy định của Việt Nam rõ ràng, mạch lạc, mà không cần tra cứu vất vả như thời gian qua”, ông Nam nhấn mạnh.