Để khống chế dịch bệnh, nhiều ngành kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí đã phải tạm dừng hoạt động.

Để khống chế dịch bệnh, nhiều ngành kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí đã phải tạm dừng hoạt động.

“Thời chiến” cần dưỡng dân

Nếu người dân thất nghiệp, doanh nghiệp kiệt quệ, thì làm thế nào nền kinh tế có thể hồi phục được sau khi dịch bệnh đi qua. Vì vậy, rất cần những gói chi tiêu ngân sách để “an” doanh nghiệp, để tạo ra an sinh xã hội đủ cho họ có thể bật lại nhanh chóng sau dịch bệnh.

Thông điệp ba chữ “an” thời chiến

An toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ đi qua. Thông điệp ba chữ “an” này là điều tôi chú ý nhất trong thông điệp “thời chiến” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã bước đầu cho thấy thành công nổi trội trong chiến dịch chống dịch Covid-19.

Ở châu Âu, nơi được xem là đỉnh cao của thế giới về y học và an sinh xã hội, Italy đang oằn mình với hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 8.000 người chết. Các nước láng giềng Tây Ban Nha, Đức và Pháp cũng có hàng chục ngàn ca nhiễm. Các bác sĩ của Tây Ban Nha đang đối mặt lựa chọn cần cứu ai, không cứu ai như đồng nghiệp người Italy mấy hôm trước. Bệnh viện kêu cứu và bệnh nhân nằm dọc bệnh viện gợi nhớ hình ảnh của Italy hơn 2 tuần trước.

Nước Mỹ, cường quốc số một thế giới, cũng đang đối mặt với sự thiếu thốn thiết bị y tế và tình trạng quá tải, khi số ca nhiễm đã lên hơn 83.000 ca vào sáng 27/3/2020, vượt qua cả Trung Quốc và có số ca nhiễm cao nhất thế giới.

Vậy Việt Nam “ngon” hơn nước ngoài? Không hoàn toàn. Cuối tháng 2/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nếu có trên 1.000 người nhiễm bệnh, thì không thể tìm đủ y bác sĩ và TP.HCM sẽ “vỡ trận”.

Từ đó đến nay, với nguồn lực huy động thêm, chắc chắn, khả năng chống chịu của Việt Nam đã cao hơn. Nhưng chúng ta vẫn sẽ gặp rắc rối, nếu cần điều trị hàng ngàn bệnh nhân, thậm chí hàng chục ngàn như ở các nước kể trên. Chúng ta chắc chắn không muốn đặt cược vào canh bạc là tỷ lệ số người chết/số người nhiễm của Việt Nam sẽ thấp như Đức, chứ không phải cao quá sức chịu đựng như ở Italy. Không thể đem mạng người ra đặt cược.

Vì vậy, quan điểm “chống dịch như chống giặc”, coi chống Covid-19 là một cuộc chiến là quan điểm hết sức đúng đắn. Điều này đã góp phần giảm số ca bệnh xuống mức thấp nhất có thể ở Việt Nam trong thời gian qua. Chiến lược này có thể được xếp vào chiến lược “trấn áp” (suppression), với mục tiêu giữ số ca mắc bệnh ở đỉnh dịch xuống mức thấp nhất có thể. Điều này đặc biệt quan trọng khi số ca bệnh đang tăng nhanh ở các nước ASEAN, như Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Phillippines.

Với quan điểm và chiến lược như vậy, an toàn tính mạng và an tâm, thì tôi tin, chúng ta đã làm rất tốt. Nhưng còn nền kinh tế và chữ “an” còn lại - an sinh xã hội - thì sao?

Cần dưỡng sức cho cả doanh nghiệp và người dân

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân công bố một khảo sát cho thấy, trong 1.200 doanh nghiệp được khảo sát, có đến 720 doanh nghiệp (chiếm 60%) cho biết sẽ giảm doanh số 50%. Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng, thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động và tiền lãi vay.

Để khống chế dịch bệnh, nhiều ngành kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí đã phải tạm dừng hoạt động. Đó là chưa nói tới những ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không. Doanh nghiệp không thể kinh doanh, có nguy cơ phá sản không chỉ là tổn thất về kinh tế, mà còn khiến bao nhiêu phận người sẽ bị thất nghiệp và bỏ quên. Trong cuộc chiến này, những phận người yếu thế dễ bị tổn thương đang bị những tin tức về dịch bệnh che mờ.

Nước Mỹ vừa công bố có thêm hơn 3 triệu người xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc ngày 21/3. Để biết con số này khủng khiếp ra sao, chỉ cần biết con số xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2009 chỉ là 655.000. Bạn tôi sau khi nhìn thấy đồ thị thất nghiệp này đã nhận xét, số thất nghiệp mới của giai đoạn 2007-2009 chưa đến “mắt cá chân” của mức thất nghiệp hiện nay ở Mỹ.

Con số này ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu? Rất khó mà thấp được.

Nếu người dân thất nghiệp, doanh nghiệp kiệt quệ, thì làm thế nào nền kinh tế có thể hồi phục được sau khi dịch bệnh đi qua. Vì vậy, rất cần những gói chi tiêu ngân sách để “an” doanh nghiệp, để tạo ra an sinh xã hội đủ cho họ có thể bật lại nhanh chóng sau dịch bệnh.

Gói kích thích ngân sách lần này, do đó phải đặt trọng tâm vào người dân nhiều hơn. Vì vậy, ở nhiều nước, các gói chi tiêu nhiều tỷ USD đang nhắm vào việc tạo một tấm lưới đỡ cho người dân không bị ngã đau bởi dịch bệnh.

Chẳng hạn, gói kích thích tài khóa lớn nhất trong lịch sử Mỹ 2.000 tỷ USD gần đây bao gồm trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và chuyển khoản tiền mặt thẳng cho nhiều người Mỹ, với mức chi 1.200 USD cho người thu nhập dưới 75.000 USD/năm, giảm dần mức trả cho người thu nhập cao hơn và không chi trả cho người có thu nhập cao hơn mức 99.000 USD/năm.

Trong thời kỳ phi thường, những gì mà “binh pháp” kinh tế đề cập trong thời bình thường có thể không phù hợp nữa. Hầu hết các nhà kinh tế tên tuổi trên thế giới đều ủng hộ chính phủ mạnh tay chi tiêu.    

Ở Anh, nơi tôi sống, Chính phủ cũng vừa đưa ra gói hỗ trợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp ở Anh sẽ được Chính phủ trả giúp đến 80% lương cho người lao động, nếu họ giữ người lao động lại làm việc, mà không sa thải. Số tiền tối đa Chính phủ trả sẽ là 2.500 bảng Anh, một mức lương trung bình trong xã hội. Đây là một gói hỗ trợ đi kèm với hệ thống an sinh xã hội gồm tiền trợ cấp thất nghiệp và y tế miễn phí.

Tất nhiên, ngoại trừ hỗ trợ người dân, các nước vẫn hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm gói cứu giúp doanh nghiệp 350 tỷ bảng ở Anh. Mỹ cũng dành 500 tỷ USD để cho vay các công ty đang trong khó khăn tài chính, trong đó đặc biệt dành ra 75 tỷ USD để hỗ trợ cho ngành hàng không và khách sạn.

Ở châu Á, Singapore cũng đã tung ra gói cứu trợ 48,4 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Gói cứu trợ này lớn gần bằng một nửa ngân sách chính phủ Singapore dự toán cho năm 2020 và là tiền được duyệt chi thêm. Nói cách khác, chi ngân sách của Singapore phình to thêm gần 50%.

Trong điều kiện bình thường, đây là những gói chi tiêu không theo kỷ luật tài chính, tăng gánh nặng nợ, dễ gây nguy cơ về nợ công và chắc chắn sẽ bị phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện tại, đây là tình trạng kinh tế “thời chiến”, giúp dân dưỡng sức, đảm bảo an sinh xã hội, thì mới tạo điều kiện cho kinh tế bật lại nhanh sau dịch bệnh.

Trong thời kỳ phi thường, những gì mà “binh pháp” kinh tế đề cập trong thời bình thường có thể không phù hợp nữa. Hầu hết các nhà kinh tế tên tuổi trên thế giới đều ủng hộ chính phủ mạnh tay chi tiêu. Đây không phải là thời điểm cần siết ngân sách và giảm nợ công.

Ở Việt Nam, chúng ta đã nghe đến những gói hỗ trợ kinh tế nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng dường như nó vẫn chưa đến được doanh nghiệp. Người dân chưa có tiền mặt cầm tay. Những gói hỗ trợ này cần được thúc đẩy nhanh nhất trước khi người dân và doanh nghiệp kiệt quệ. Chẳng hạn, việc giải ngân hơn 650.000 tỷ vốn đầu tư công cần được thực hiện rốt ráo.

Thế nhưng, đã là thời chiến thì cần phải tuân thủ kỷ luật thời chiến. Bất cứ một chi tiêu lãng phí, lợi dụng thời cơ để các doanh nghiệp thân hữu trục lợi ngân sách và chính sách cần bị trừng trị nặng hơn nhiều lần so với thời kỳ bình thường. Ở thời điểm này, lãng phí ngân sách và nguồn lực là có tội lớn với dân tộc đang trong cuộc chiến chống dịch.

Tin bài liên quan