Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thoát nước Hà Nội: Hợp đồng mua chế phẩm Rexody 3C còn dang dở, sở hữu hàng loạt “đất vàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nắm giữ một số khu “đất vàng” tại Hà Nội và đang trong quá trình triển khai cổ phần hóa, vài năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận Công ty có phần chững lại.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tiền thân là Công ty Thoát nước Hà Nội được thành lập năm 1993, thuộc Sở giao thông công chính. Đến năm 2005, công thuộc thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội.

Hiện vốn điều lệ Công ty là 459 tỷ đồng, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; thu gom rác thải không độc hại…

Hợp đồng mua chế phẩm Rexody 3C còn dang dở?

Từ năm 2016 - 2019, Thoát nước Hà Nội được UBND TP Hà Nội lựa chọn là nhà thầu thực hiện việc duy trì, xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên quá trình thực hiện xảy ra một số sai phạm.

Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với ông Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) với tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Hùng được xác định là giữ vai trò đồng phạm với ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (cựu giám đốc Công ty Akrtic) trong việc mua bán hơn 400 tấn chế phẩm Redoxy 3C, gây thiệt hại cho UBND TP Hà Nội hơn 36 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Công ty tiếp tục được lựa chọn để thực hiện gói thầu số 4 và gói thầu số 2 bao gồm hạng mục duy trì, xử lý ô nhiễm nước hồ.

Ngày 20/6/2020, Công ty và Công ty TNHH Akrtic đã ký hợp đồng để mua 110.022 kg chế phẩm Redoxy 3C với kinh phí 37,2 tỷ đồng. Công ty đã tạm ứng cho nhà cung cấp số tiền 11,1 tỷ đồng, tương đương 30% giá trị hợp đồng. Công ty đã thực hiện một phần khối lượng theo dự toán được duyệt trong tháng 7, 8/2020 nhưng chưa được nghiệm thu thanh toán.

Hiện công tác xử lý ô nhiễm nước hồ đang bị tạm ngừng để phục vụ công tác điều tra. Đến ngày 30/6/2021, công ty còn tồn kho 3.084 kg chế phẩm Redoxy 3C với số tiền trên sổ sách là 943 triệu đồng.

Lợi nhuận chững lại

Vài năm gần đây, Thoát nước Hà Nội ghi nhận tổng tài sản tăng nhẹ nhưng doanh thu và lợi nhuận có phần chững lại. Nếu năm 2018, Công ty đạt doanh thu 892 tỷ đồng, năm 2019 là 939 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 28,3 tỷ đồng và 29,8 tỷ đồng. Đến năm 2020, Công ty đạt doanh thu 755 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 29,8 tỷ đồng, giảm khá mạnh về doanh thu và đạt xấp xỉ về lợi nhuận so với năm 2019.

Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch tăng nhẹ so với năm ngoái với doanh thu 783 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng.

Từ năm 2019, Công ty bắt đầu tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu nhà nước còn sở hữu dưới 65% vốn điều lệ nhưng công việc này đến nay chưa hoàn thành.

Theo bảng cân đối kế toán ngày 30/6/2021, công ty có tổng tài sản là 1.285 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối năm 2020. Khoản Phải thu ngắn hạn là 375 tỷ đồng, hàng tồn kho 53 tỷ đồng. Tài sản dài hạn là 828 tỷ đồng. Nợ phải trả là 868 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 358 tỷ đồng và nợ dài hạn là 510 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 387 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 10,5 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2020.

Hiện Công ty đang thực hiện dở dang các dự án như dự án xây dựng, cải tạo 3 trạm bơm Cổ Nhuế; Đồng Bông 1,2 khu vực phía Tây Hà Nội chi phí 509 tỷ đồng; cải tạo môi trường hồ Đầm Sang, hồ Vục, hồ Tư Đình, hồ số 1 Thạch Bàn, hồ Tứ Liên.

Ngoài ra, Công ty quản lý, sử dụng khu đất gồm: diện tích 10.282,62 m2 tại Yên Sở, Hoàng Mai (xí nghiệp Thi công cơ giới Xây lắp); 20.817,9 m2 tại Yên Sở, Hoàng Mai (Xí nghiệp dịch vụ); 4.207 m2 tại số 65, phố Vân Hồ 3, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; 634,5 m2 đất tại số 284 Thụy Khuê, quận Tây Hồ ; 1.328 m2 tại đường Lương Đình Của; 572,6 m2 tại số 107 Đường Láng; 1.171,8 m2 tại đường đê Sông Hồng đoạn giáp phường Thanh Trì đến hết địa phận phường Trần Phú.

Tin bài liên quan