Khách hàng tập trung bên ngoài một chi nhánh của Sberbank (một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Nga) tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech vào ngày 25/2/2022 để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản, trước khi Sberbank đóng cửa tất cả các chi nhánh tại Czech. Ảnh: AFP
Nguồn tiền mà Nga dùng để trả nợ đến từ các tài sản của họ ở nước ngoài, nhưng những tài sản này đang bị "đóng băng" khi các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga do Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Chính quyền Nga cho biết họ, đã hạ lệnh thanh toán 117 triệu USD tiền lãi đến hạn phải trả các nhà đầu tư hôm 16/3. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các nhà đầu tư đã nhận được khoản tiền này chưa.
Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov phát biểu trên kênh truyền thông Nga Russia Today rằng, Moscow đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với các chủ nợ. Nhưng "khả năng trả nợ hay việc không thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại tệ không phụ thuộc vào chúng tôi", Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, đồng thời cảnh báo rằng việc thanh toán nợ có thể không thực hiện được nếu Mỹ không chấp thuận.
"Chúng tôi có tiền, chúng tôi đã thanh toán, bây giờ quả bóng đang ở trong sân của Mỹ", ông Anton Siluanov khẳng định.
Trong khi đó, người ngôn viên Bộ Tài chính Nga cho biết, Mỹ sẽ cho phép Nga thực hiện các khoản thanh toán nợ.
Hai khoản lãi suất coupon (lãi suất cuống phiếu) của trái phiếu eurobond mà Nga phát hành bằng đô la Mỹ vừa đáo hạn được coi là phép thử đầu tiên về khả năng trả nợ của Nga giữa lúc nhiều quốc gia trên thế giới cùng áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với nền kinh tế Nga.
Nga cho biết nếu Mỹ chặn thanh toán, họ sẽ cố gắng thanh toán nợ bằng đồng rúp, thay vì đô la Mỹ. Nhưng hành động đó có thể vẫn tạo ra một vụ vỡ nợ, theo quan điểm của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings.
Điều này cho thấy Nga đang ở trong thời kỳ khủng hoảng. Họ có nguồn tiền để trả nợ, nhưng một nửa số tiền đó không thể tiếp cận được sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nguồn dự trữ ngoại hối của Nga, với tổng trị giá khoảng 315 tỷ USD, theo Bộ trưởng Tài chính Nga.
Nếu chính phủ Nga vỡ nợ, thiệt hại của các nhà đầu tư có thể bắt đầu tăng lên. Các nhà đầu tư phương Tây có chiều hướng co cụm làm ăn với Nga hơn so với trước. Thực tế, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nươc này sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã khiến các nhà đầu tư phương Tây đắn đo cân nhắc khi làm ăn với thị trường Nga. Hiện các ngân hàng quốc tế còn khoản dư nợ 121 tỷ USD tại thị trường Nga, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Còn theo ước tính của hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan (Mỹ), khoản nợ ngoại tệ của Nga đạt khoảng 40 tỷ USD tính đến cuối năm ngoái và khoảng một nửa trong số này là nợ nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, một vụ vỡ nợ sẽ là một tin xấu đối với Nga, nhưng thị trường thế giới sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Theo đài CNN, sau khoản lãi 117 triệu USD, Nga đang đối diện nhiều khoản nợ khác sắp đến hạn. Đáng kể là khoản tiền 2 tỷ USD dự kiến đáo hạn vào đầu tháng 4 và khoản nợ này sẽ gây ra những cơn đau đầu lớn cho Moscow.