Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi
Vinasugar II tiền thân là Công ty Đường Việt Nam, cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 6/2013, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực chế biến đường từ cây mía, mật, đường tinh luyện và sản phẩm sau đường các loại (bánh, kẹo, cồn, CO2, men thực phẩm, nước giải khát, rượu bia, phân vi sinh).
Vốn điều lệ của Tổng công ty hiện là 685 tỷ đồng, tương ứng 68,5 triệu cổ phiếu, trong đó Bộ nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nắm giữ 92,98%, Tổng công ty Mía đường I (Vinasugar I) nắm giữ 5%, còn lại do các cá nhân sở hữu.
Theo bản công bố thông tin bán vốn của Bộ NN&PTNT, ngoài công ty mẹ, cơ cấu tổ chức của Vinasugar II gồm 2 công ty con là Đường La Ngà và Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương.
Trong đó, Đường La Ngà (Vinasugar II sở hữu 86,48%) chuyên sản xuất đường tinh luyện với công suất chế biến 180 tấn/ngày, mỗi năm cung cấp cho thị trường 30.000 - 40.000 tấn đường các loại, khả năng tự chủ 45% nguồn nguyên liệu cùng nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh 7.000 tấn/năm. Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương chuyên kinh doanh các sản phẩm đường, mật, cho thuê kho bãi.
*Lợi nhuận kinh doanh = lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng - chi phí quản lý doanh nghiệp
Sau khi ký hợp đồng thoái vốn khỏi Đường Hiệp Hòa tháng 5/2016, Vinasugar II hiện còn góp vốn tại 3 công ty liên kết, đều sản xuất - kinh doanh sản phẩm đường, là Tuy Hòa, Vinasugar I và AB Mauri Việt Nam, với tổng giá trị 106,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty đang quản lý 90.682 m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, trong đó có 1.158 m2 trụ sở làm việc tại quận 4, TP.HCM và 85.524 m2 tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, bao gồm đất sản xuất - kinh doanh và diện tích Nhà máy cồn Xuân Lộc.
Báo cáo tài chính của Vinasugar II cho biết, tính đến cuối năm 2016, Tổng công ty có tổng tài sản hợp nhất 886,3 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn là khoản mục lớn nhất với giá trị 227 tỷ đồng, sau đó là tiền và tiền gửi các loại (187,2 tỷ đồng), tài sản cố định và các khoản đầu tư góp vốn dài hạn (106 tỷ đồng). Cơ cấu tài chính, khả năng thanh toán của Tổng công ty khá tốt so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khi vốn chủ sở hữu chiếm 82% tổng nguồn vốn, nợ vay ngắn - dài hạn là 55,6 tỷ đồng, chiếm 6,4%, còn lại là các khoản phải trả.
…Nhưng lợi nhuận tài chính đang gánh kinh doanh
Dù mạnh về tài chính, kinh nghiệm lâu năm, cùng lợi thế địa bàn hoạt động chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho nông nghiệp nói chung và cây mía nói riêng, vị trí gần các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông thuận lợi…, nhưng hoạt động kinh doanh chính của Vinasugar II lại kém hiệu quả.
Trong năm 2016, Vinasugar II đạt lợi nhuận sau thuế 17,7 tỷ đồng. Mức với mức sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) là 2,04% và 2,48%, thấp so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Đáng chú ý, lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 25,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh âm 29 tỷ đồng. Nếu không có sự đóng góp từ thanh lý tài sản (13,7 tỷ đồng) và lợi nhuận tài chính (37,5 tỷ đồng), chủ yếu là lãi tiền gửi, chuyển nhượng, thoái vốn các khoản đầu tư, thì Vinasugar II khó tránh khỏi thua lỗ.
*Hiệu quả hoạt động và kết quả kinh doanh được tính theo niên độ tài chính gần nhất
Trước đó, năm 2014, Vinasugar II lỗ 15,2 tỷ đồng, năm 2016 lãi 46,4 tỷ đồng. Lợi nhuận kinh doanh trong 2 năm này đều âm, nguyên nhân chính là do chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao. Năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 1,9 lần lợi nhuận gộp, năm 2015 và 2014 lần lượt gấp 1,83 lần và 2,28 lần lợi nhuận gộp.
Lợi nhuận sau thuế gần như trông chờ vào lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác là các khoản thu nhập bất thường khiến kết quả kinh doanh của Vinasugar II thường xuyên biến động mạnh. Năm 2016, doanh thu tài chính giảm 57,7% so với năm 2015 dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm 68,6%, dù lợi nhuận gộp giảm 1,1%.
Năm 2017, Vinasugar II đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm 2016. Nửa đầu năm, Tổng công ty không lập báo cáo tài chính hợp nhất; theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, doanh thu đạt 318 tỷ đồng, tăng 7,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2016. Với những biến động của thị trường mía đường trong nước và thế giới trong 6 tháng cuối năm, lợi nhuận của Tổng công ty được dự báo sẽ khó có đột biến.
Giá khởi điểm tương đương giá IPO năm 2013
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Vinasugar II nằm trong danh sách thoái toàn bộ vốn nhà nước trong giai đoạn 2018 - 2020. Để thực hiện công tác này, Bộ NN&PTNT sẽ bán đấu giá toàn bộ 69,69 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Vinasugar II thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 13/2/2018.
Với tỷ lệ chào bán lên đến 92,98% vốn điều lệ, nhà đầu tư trong nước sẽ có cơ hội sở hữu chi phối tại doanh nghiệp mía đường này, trong khi đó, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn ở mức 49%.
Tại mức giá 10.420 đồng/cổ phần, giá khởi điểm của Vinasugar II cao hơn 3,47% so với mức giá do Công ty cổ phần Giám định và Thẩm định Eximvas xác định theo phương pháp giá trị tài sản trong phương án tư vấn thoái vốn tháng 9/2017 (10.070 đồng/cổ phần), tương đương giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2017 (10.412 đồng/cổ phần) và cao hơn 3,16% so với giá IPO năm 2013. Khi đó, Vinasugar II đã đưa ra đấu giá 16,7 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần, nhưng lượng chào bán thành công chỉ khoảng 4,6%, với giá trúng bình quân cao hơn 1 đồng.
Sau gần 5 năm, bối cảnh thị trường chứng khoán đã có nhiều biến chuyển nhờ môi trường vĩ mô thuận lợi, VN-Index vượt mức 1.000 điểm với thanh khoản kỷ lục cùng hàng loạt thương vụ đấu giá cổ phần, IPO, thoái vốn nhà nước được nhà đầu tư đón nhận. Theo đó, khả năng thành công của đợt đấu giá cổ phần Vinasugar II sắp tới sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ngoài mức giá khởi điểm thì yếu tố quan trọng vẫn là triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhu cầu cầu về sản phẩm đường trong nước đến năm 2020 được dự báo có thể tăng 25% so với hiện nay, nhưng Vinasugar II đặt mục tiêu lợi nhuận giai đoạn 2017 - 2019 không cao. Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 là 16,5 tỷ đồng/năm, năm 2019 là 24,4 tỷ đồng.
Một số ý kiến nhận định, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh gay gắt, dự báo không ít nhà máy đường có quy mô vừa và nhỏ phải ngừng hoạt động vì thua lỗ hoặc bị mua bán - sáp nhập (M&A) bởi các doanh nghiệp lớn hơn.
Theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, sản phẩm đường từ các nước trong khu vực không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế suất nhập khẩu chỉ là 5% và đến năm 2020 sẽ phải giảm về 0%. Các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh trực tiếp với đường của Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, có giá thấp hơn đường sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đó, cơ hội chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, chủ động được vùng nguyên liệu, giống mía cho năng suất cao, đổi mới công nghệ chế biến đường, hoặc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ mía sang tập trung vào đường thô.
Với Vinasugar II, quy mô tài sản, vốn hóa ở mức trung bình, thông tin tiếp cận của nhà đầu tư còn hạn chế, cùng kết quả kinh doanh kém khả quan trước thời điểm nhà nước thoái vốn, cơ hội đầu tư có lẽ hấp dẫn với những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm trong ngành, am hiểu về doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng thông qua tái cấu trúc, điều hành nhằm cải thiện hiệu quả và năng lực sản xuất hơn là với nhà đầu tư tài chính, nhất là khi định giá cũng không rẻ khi so sánh với một số doanh nghiệp cùng ngành.