Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam được ví như "cục nam châm" thu hút hầu hết các "đại gia" bia ngoại, khiến thị trường bia trong nước đang có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt để giành giật “miếng bánh” thị phần.
Giới kinh tế lo ngại việc thoái vốn tại Sabeco với quy mô lên tới 4,9 tỷ USD sẽ làm cho “miếng bánh” trở nên chật chội, khốc liệt, thậm chí có thể thổi bùng lên sóng ngầm thâu tóm, tạo vị thế độc quyền ngành bia.
Bộ Công Thương vừa công bố chào bán 343,66 triệu cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB). Với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu, Bộ Công Thương dự tính thu về tối thiểu 4,9 tỷ USD từ đợt thoái vốn này.
Nếu Sabeco rơi vào tay “người khổng lồ” ngành bia
Với mức thu nhập trung bình và nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới. Người Việt cũng ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng của các mặt hàng, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Với sản lượng tiêu thụ bia năm 2016 đạt 3,8 tỷ lít, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia dẫn đầu khu vực ASEAN, đứng thứ ba ở châu Á. Tính trung bình mỗi người Việt uống khoảng 41 lít bia/năm, khiến sản lượng ngành bia Việt Nam trong 10 năm qua luôn tăng trưởng từ 5 đến 10%/ năm.
“Miếng bánh” hấp dẫn nhưng tất cả đã có chủ!
Thị trường bia Việt đã được các đại gia chia phần, trong đó Sabeco là “vua bán bia” với sản lượng tiêu thụ trên 1,5 tỷ lít/năm - nắm giữ 40% thị phần, Heineken nắm 28%, Sabeco dù giảm sút nhưng vẫn nắm 12%, Carlsberg nắm 7%…
Trong những năm qua, các đại gia bia ngoại liên tục dùng các chiến lược đánh chiếm với tham vọng làm chủ thị trường bia của quốc gia 100 triệu dân trong tương lai đầy hấp dẫn này. Đã có hơn 30 hãng bia trên thế giới có mặt tại Việt Nam. “Chợ" ngày càng đông trong khi “miếng bánh” chỉ có vậy. Cuộc chiến giành giật thị phần đã thổi lửa cho "game thoái vốn”, khiến cho Sabeco nhận được sự quan tâm đặc biệt của loạt “ông lớn” bia thế giới.
Trong quá khứ, có loạt đại gia lớn trên thế giới “xếp hàng dài” để mua cổ phần tại Sabeco như Asahi Group Holdings, Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev)…
Sabeco là “vua bán bia” với sản lượng tiêu thụ trên 1,5 tỷ lít/năm - nắm giữ 40% thị phần
Quay trở lại quy mô của đợt thoái vốn lên tới 53,59% cổ phần tương ứng gần 4,9 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn khi thâu tóm được thương hiệu bia nổi tiếng nhất tại Việt Nam nay. Sở hữu Sabeco không chỉ có ngay 40% thị phần bia mà còn làm chủ được hệ thống phân phối trải đến 64 tỉnh thành cả nước, nếu tính điểm bán lẻ thì ngang ngửa Vinamilk, một hãng bia bình thường có đổ hàng nghìn tỷ cũng không thể làm nổi việc này.
Do đó, nếu Sabeco rơi vào tay đại gia ngoại rất có thể viễn cảnh thị trường bia Việt sẽ rơi vào thế độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Tất nhiên, theo chia sẻ của ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng cục công nghiệp Bộ Công Thương (chia sẻ tại buổi giới thiệu về đợt chào bán cổ phần tại Sabeco diễn ra chiều ngày 29/11 do Bộ Công thương tổ chức) thì “room ngoại” vẫn được giới hạn tối đa 49% tại Sabeco.
Quy định này, hiểu một cách thông thường là sẽ giúp hạn chế phần nào việc một đại gia ngoại có thể chi phối ngay Sabeco, nhưng sau thoái vốn, nhiều điều có thể xảy ra, và kịch bản các đại gia lớn trong ngành “điều khiển” Sabeco cần phải tính tới.
Thực tế, với quy mô thoái vốn lên tới 4,9 tỷ USD rõ ràng “game thoái vốn” của Sabeco chỉ dành cho những đối tác cực lớn, có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Trên thị trường, phiên ngày 1/12, cổ phiếu SAB đang được giao dịch ở mức giá 330.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 211.000 tỷ đồng.
Với kịch bản đại gia bia thâu tóm phần sở hữu này, chẳng hạn, với thị phần 28% như Heineken hay như AB-Inbev mua được Sabeco sẽ nghiễm nhiên trở thành “người khổng lồ” thống trị thị trường bia Việt. AB - Inbev hiện là hãng bia lớn nhất thế giới bằng con đường M&A.
Một khi hãng bia này làm chủ các thương hiệu, kênh phân phối khiến cho các thương hiệu bia địa phương khác không có cơ hội phát triển. Hiện AB-Inbev đã có nhà máy bia 50 triệu lít tại Việt Nam và đang dự tính nâng công suất lên 100 triệu lít.
“Độc chiêu” trong thương vụ bán vốn ở Sabeco
Theo nhận định của các đơn vị tư vấn, Chính phủ hiểu rất rõ về giá trị thương hiệu và đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với Sabeco bởi vấn đề không chỉ ở việc bán được giá cao nhất mà còn là phát triển hãng bia lớn nhất nước. Theo đó, các doanh nghiệp ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài mua thì sẽ đảm bảo về nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, với mục đích thâu tóm Sabeco, không ngoại trừ kịch bản các nhóm nhà đầu tư có thể "góp gạo thổi cơm chung" để mua được cổ phần của Sabeco. Hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhờ các doanh nghiệp trong nước đứng tên giúp bởi tỷ lệ room ngoại của Sabeco được khống chế ở mức 49%, hay đơn giản là đầu tư kiểu lướt sóng sau đó bán lại cho nước ngoài.
Điều này có thể không diễn ra, nhưng khi phiên đấu giá chưa thực hiện, mọi kịch bản đều cần đưa vào tính toán.
Nhiều đại gia bia ngoại đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Sabeco
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán SHS nhận định Sabeco giờ đây được thị trường định giá gần 10 tỷ USD.
“Nếu cách đây 10 năm tất cả nhưng con số trên chỉ là ‘chém gió’, định giá thế thôi chứ chẳng ai mua. Nhưng ngày hôm nay đó là sự thật”, ông Điệp bình luận về giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu của SAB.
Thị trường vốn muôn màu, sôi động không có đối tác này thì sẽ có người khác mua. Theo nguồn tin riêng của ông, đã có đối tác ngoại đồng ý mua 43,67% vốn tại Sabeco với giá khởi điểm. Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng Bộ Công Thương sẽ có suy tính rất kỹ càng trong việc lựa chọn các đối tác trong đợt bán vốn tới bởi đây không chỉ là đợt thoái vốn lấy tiền về mà còn liên quan đến sự phát triển của thương hiệu bia lớn nhất nước.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải có một quy chế thoái vốn tại Sabeco thật sự tiến bộ, công bằng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như hạn chế độc quyền, lành mạnh thị trường bia.
Giải thích về việc hạn chế sở hữu ngoại, cũng theo ông Trương Thanh Hoài, do phần sở hữu hiện hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay tại Sabeco là hơn 9%, nên trong đợt thoái vốn tới đây, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua tối đa 38,59% vốn điều lệ của Sabeco.
“Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng”, ông Hoài nhấn mạnh.
Cụ thể, trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.
Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật cạnh tranh.
So với các quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước trước đây, Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco được công bố ngày 29/11/2017 đã có những tiến bộ cũng như đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khách quan. Việc yêu cầu nhà đầu tư mua lô lớn phải công bố thông tin số lượng cổ phần dự kiến mua trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày, giúp các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt được tình hình và chủ động trong kế hoạch tham gia mua cạnh tranh.