Đứng ở góc độ chủ sở hữu vốn nhà nước, giới phân tích cho rằng, Bộ Xây dựng sẽ cần phải cân nhắc cách làm để có thể tối đa hóa lợi ích thu về vừa đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.
Cuối tuần trước, thông tin về việc thoái vốn nhà nước tại Viglacera tràn ngập mặt báo khi tại ĐHCĐ Tổng công ty Viglacera, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, sau khi có báo cáo tài chính bán niên của Viglacera, các bên sẽ ra được bản định giá cổ phần. Dự kiến, tháng 11-12, Bộ sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Trong cơ cấu cổ đông của Viglacera,hiện Bộ Xây dựng đang nắm giữ 38,85% cổ phần, nhóm cổ đông chiến lược lớn khác đang nắm giữ xấp xỉ 25% cổ phần. Khi đề cập đến việc thoái vốn nhà nước tại Viglacera, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này sẽ thực hiện thoái vốn minh bạch và không gây thất thoát vốn nhà nước. Vậy, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Viglecera theo cách nào?
Trở lại với lần thoái vốn gần nhất vào năm 2019, Bộ Xây dựng thông báo bán 18% cổ phần VGC với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần. Trái với giả định của giới phân tích trước đó, Bộ không bán cổ phần theo hình thức đấu giá trọn lô, mà bán rộng rãi cho tất cả nhà đầu tư đại chúng. Kết quả, Bộ chỉ bán được 69 triệu cổ phần với 3 nhà đầu tư tham gia mua, ế hơn 11 triệu cổ phần.
Với cơ cấu cổ đông của Viglacera như hiện nay, chưa có nhóm cổ đông nào đạt tỷ lệ sở hữu ở mức chi phối, bởi vậy nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mức sở hữu an toàn, các nhà đầu tư sẽ phải tính đến việc mua lại toàn bộ số cổ phần Nhà nước thoái vốn tới đây. Theo Luật Doanh nghiệp, chỉ cần sở hữu tỷ lệ 36%, cổ đông đã có thể phủ quyết các vấn đề quan trọng của đại hội đồng cổ đông.
Tối đa hóa lợi ích thu về cho Nhà nước hay không phụ thuộc vào cách thức thoái vốn của Bộ Xây dựng, với thực tế là cuộc đấu giá càng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia càng có cơ hội đạt giá trúng cao và tối đa hóa lợi ích thu về cho Nhà nước.
Nếu Bộ tiếp tục thực hiện thoái vốn như lần trước, có thể lặp lại kịch bản không bán hết được, vì rất có thể nhà đầu tư chỉ cần mua thêm một tỷ lệ nhất định cổ phần trong số lượng chào bán là có thể chi phối Viglacera và tỷ lệ còn lại khiến Bộ Xây dựng trở thành cổ đông thiểu số, không có vai trò gì đáng kể ở doanh nghiệp.
Nếu bán đấu giá cả lô cổ phần, có thể xảy ra trường hợp một hoặc một nhóm nhà đầu tư “bạo chi” sẽ trúng đấu giá lô cổ phần này. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ chịu tác động lớn từ các nhà đầu tư này, vì công ty cổ phần hoạt động theo nguyên tắc đối vốn.
Thương trường đã ghi nhận hàng loạt thương vụ M&A thoái vốn nhà nước mà sau đó hoạt động của các nhóm cổ đông lớn ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động doanh nghiệp, cũng như chiến lược và định hướng phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp Tổng công ty Agrimeco, Tổng công ty Vinaconex…
Dù hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn vốn còn hạn chế, cấu trúc tổ chức cồng kềnh, nhưng quy mô sản xuất lớn, vị thế đầu ngành, sở hữu những bất động sản giá trị, Viglacera được đánh giá có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư tổ chức. Đặc biệt, tài chính của Viglacera rất lành mạnh với vay nợ chịu lãi thấp, chi phí lãi vay hàng năm chưa tới 10% lợi nhuận gộp. Dòng tiền kinh doanh đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm hỗ trợ cho nhu cầu đầu tư, trả nợ. Đây chính là lợi thế lớn cho doanh nghiệp để có bức tranh tài chính đẹp, tăng huy động vốn thực hiện các dự án từ vay nợ mà không đẩy cấu trúc vốn gặp rủi ro.