Phiên đấu giá 751.800 cổ phần, tương đương 37,59% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Nội (HAB), do UBND TP. Hà Nội sở hữu, vào ngày 15/6/2020 được xem là khá thành công.
14 nhà đầu tư cá nhân đã tham gia đấu giá, với khối lượng đặt mua 2.666.800 cổ phần, gấp 3,5 khối lượng chào bán.
Kết quả, toàn bộ số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân là 97.526 đồng/cổ phần, cao gấp đôi mức giá khởi điểm (49.800 đồng/cổ phần).
HAB có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, kinh doanh sách, báo, các ấn phẩm, văn phòng phẩm, xây dựng cơ sở vật chất trường học...
Lãi năm gần nhất của HAB chưa đầy 700 triệu đồng, nhưng sức hấp dẫn của doanh nghiệp không nằm ở con số lợi nhuận.
Sau cổ phần hóa, HAB được quyền quản lý và sử dụng 2 lô đất ở vị trí vàng. Lô thứ nhất ở 45B Lý Thường Kiệt có diện tích 1.076 m2, thời hạn thuê 50 năm (tính từ năm 1993).
Lô thứ hai ở số 2 Cửa Bắc có diện tích 1.649 m2, thời hạn thuê 10 năm từ năm 1993 và đến nay đã hết hạn. Theo quy định của Luật Ðất đai, Công ty được ký gia hạn hợp đồng thuê đất 50 năm, trả tiền hàng năm kể từ năm 1993.
Lô đất 45B Lý Thường Kiệt đến nay đã được phê duyệt xây dựng tòa nhà trụ sở văn phòng làm việc cao tối đa 12 tầng.
Chuyện thoái vốn tại các công ty sách không phải khi nào cũng thuận lợi như trường hợp HAB.
Trước đó, trong tháng 4/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo về việc chào bán cạnh tranh hơn 7,2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, tương đương 8,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này, với giá khởi điểm 11.500 đồng/cổ phiếu. Hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Hiện Tập đoàn Tân Mai có vốn điều lệ 890,9 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, chăm sóc rừng, bán buôn các loại giấy, các sản phẩm từ giấy, nguyên liệu giấy...
Công ty này bắt đầu phát sinh lỗ từ năm 2012, do phải ngừng sản xuất giấy ở Nhà máy Giấy Tân Mai để di dời ra khỏi TP. Biên Hòa theo chủ trương của Chính phủ.
Báo cáo tài chính cập nhật nhất trên webstite Công ty là năm 2018 cho thấy, trong năm này, Công ty lỗ hợp nhất sau thuế gần 12 tỷ đồng. Lỗ lũy kế khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 628 tỷ đồng.
Tập đoàn Tân Mai có các hoạt động hợp tác đầu tư và kinh doanh bất động sản với tổng diện tích 410.840 m2. Do khó khăn ngoài dự kiến về pháp lý và thủ tục nên việc triển khai chậm trễ.
Riêng dự án khu Logistic ở Ðồng Nai, diện tích 318.314 m2, nhà đầu tư đã xin hủy thỏa thuận hợp tác vì thủ tục pháp lý khó khăn và kéo dài.
Kinh doanh kém hiệu quả, lượng cổ phần không đủ cho tiếng nói có trọng lượng và cả việc lợi thế đất đai chưa thể phát huy trong ngắn hạn, những yếu tố đó khiến đợt chào bán thoái vốn của Nhà xuất bản Giáo dục tại Tập đoàn Tân Mai thất bại.
Ðợt bán đấu giá 5.000 cổ phần của Nhà xuất bản Giáo dục tại Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Ninh Thuận đầu tháng 8 vừa qua cũng không có người mua. Lượng cổ phần quá nhỏ, chỉ tương đương 1,8% vốn điều lệ, trong khi vài năm gần đây Công ty liên tục thua lỗ.
Khu đất Công ty đang quản lý và sử dụng làm nhà kho và nhà trưng bày ở đường Thống Nhất, Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) sẽ hết hạn thuê vào 17/10/2020. Với những yếu tố đó, không khó hiểu khi đợt thoái vốn thất bại.
Thực tế, câu chuyện “săn đất vàng” trong các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn chẳng còn mới.
Nhiều công ty sách dù hoạt động kinh doanh lõi kém hiệu quả, mang tính thời vụ (doanh thu chủ yếu vào mùa tựu trường), nhưng được giao quản lý và khai thác những khu đất có vị trí đẹp ở địa phương và đây sẽ là những địa chỉ thu hút nhà đầu tư trong đợt thoái vốn nhà nước.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, với các công ty còn vốn nhà nước và đang được thuê các khu đất ở trung tâm, có vị trí đắc địa khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất được áp khung giá đất do Nhà nước ban hành.
Do khung giá này thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều nên các nhà đầu tư thâu tóm sẽ được hưởng lợi.
Do đó, ông Long cho rằng, nếu áp dụng cơ chế đấu giá sẽ đảm bảo các nguồn lực công được sử dụng hiệu quả.