Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhà đầu tư nước ngoài có phải là một mục tiêu?

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch thoái vốn nhà nước của nhiều doanh nghiệp đang không thể đưa nhà đầu tư nước ngoài vào tầm ngắm. Khúc mắc nằm ở cả quy định, quy trình thoái vốn thiếu rõ ràng.
Vinamilk là một điển hình về thành công trong bán vốn cho cổ đông chiến lược.

Vinamilk là một điển hình về thành công trong bán vốn cho cổ đông chiến lược.

Câu chuyện của PTI: Hỏi mãi…

Tính đến tháng 4/2021, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã đợi 9 tháng, nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về trường hợp của mình.

“Chúng tôi chỉ mong sớm nhận được câu trả lời, để biết sẽ được làm gì tiếp theo”, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Trước đó, trong Hội thảo Tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuối tuần trước, ông Thu đã dành khá nhiều thời gian để kể câu chuyện thành công của PTI trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược 5 năm trước.

Năm 2014, vốn nhà nước ở PTI chiến hơn 50%, trong đó 36% thuộc về VNPost.

Năm 2015, Công ty xác định cần phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, để cải thiện năng lực cạnh tranh, nắm giữ vị trí cao hơn trong thị trường bảo hiểm Việt Nam. Công ty bảo hiểm DB đến từ Hàn Quốc (DB Insurance) đã trở thành một trong 3 cổ đông chính của PTI, với tỷ lệ sở hữu 37,32%.

Nhờ mối liên kết này, PTI đã vươn lên vị trí số 3 về thị phần bảo hiểm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, PTI lại gặp phải vấn đề về tăng vốn.

Ông Thu giải thích, kể từ sau lần phát hành cổ phiếu đơn lẻ cho DB Insurance đến nay, PTI giữ nguyên mức vốn điều lệ là 804 tỷ đồng, tỷ lệ vốn do cổ đông nhà nước giảm còn 35%, trong khi thị trường bảo hiểm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhưng nếu tăng vốn, VNPost sẽ không được tham gia theo hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu vì đang xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn khỏi PTI trong năm nay. Đây là lý do, tháng 6/2020, Đại hội cổ đông PTI đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài tại PTI từ 49% lên 100%. Và việc chờ đợi của PTI bắt đầu khi đề xuất được gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Tháng 7/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản thông báo đã báo cáo Bộ Tài chính xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ có bao gồm bảo hiểm sức khỏe. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời”, ông Thu cho biết.

Câu trả lời nằm ở từ khóa “muốn hay không”

PTI không phải là doanh nghiệp duy nhất chờ đợi. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC cũng đang đợi câu trả lời tương tự.

“SCIC đang tổ chức thoái vốn tại một số doanh nghiệp bảo hiểm. 2 năm trước, chúng tôi đã gửi văn bản hỏi cơ quan chức năng rằng, với lĩnh vực bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài được mở đến đâu. Nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các cơ quan chức năng cả trong ngành, ngoài ngành, nhưng vẫn chưa có câu trả lời về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm. Chỉ cần câu trả lời là 49% hay 100%, chúng tôi sẽ làm đúng như vậy”, ông Lai nhấn mạnh.

Nếu chúng ta xác định tìm nhà đầu tư chiến lược, có thể là nhà đầu tư ngoại hoặc nội, thì cũng phải sửa đổi quy định, quy trình để thực hiện được.

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC

Thực ra, nếu dựa trên những quy định hiện hữu, câu trả lời cũng không quá khó. Chiểu theo cam kết về lĩnh vực mà Việt Nam loại trừ trong WTO, bảo hiểm y tế có tên, nhưng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe không bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm y tế. Hơn thế, pháp luật Việt Nam đã cho phép thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.

Mấu chốt nằm ở chỗ, theo ông Lai, SCIC cần một văn bản trả lời chính xác tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì mới thực hiện được các kế hoạch thoái vốn.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lý do chính cản trở sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới các đợt thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp chúng tôi nói rằng, họ cần thấy các quy định và cả quy trình rõ ràng, thuận lợi, nhất là với các các thương vụ tỷ đô. Ở góc độ này, có vẻ như chúng ta chưa đặt trọng yêu cầu tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp”, ông Lai thẳng thắn.

Hiện tại, các phương thức thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được thực hiện theo trình tự 3 bước: đấu giá; đấu giá không thành công thì chào giá cạnh tranh; không được mới đi đến thỏa thuận. Với các cách này, nhà đầu tư nước ngoài dù có thể phải bỏ vài tỷ USD cũng không có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng, mà trông đợi toàn bộ vào thông tin được công bố công khai. Nếu phân tích kỹ hơn ở cả quy trình về đặt cọc, thanh toán, thì các quy định mang tính kỹ thuật như sử dụng VND hay thời gian thanh toán trong 8-10 ngày… cũng đang là rào cản rất lớn với các nhà đầu tư ngoại.

Trong rất nhiều lần trao đổi về vấn đề này, câu hỏi từ giới chuyên gia kinh tế là mục tiêu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gì: tối ưu hóa tiền thu về hay chọn được nhà đầu tư chiến lược cho kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Tất nhiên, theo các chuyên gia, không phải doanh nghiệp nào cũng cần nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với doanh nghiệp quy mô lớn, tìm cổ đông chiến lược nước ngoài phải là một trong những ưu tiên. Bài học thành công của Vinamilk, Công ty Nhựa Bình Minh với sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài vẫn hay được nhắc đến.

Ông Lai cũng thừa nhận điều này. Trong 15 năm thành lập, SCIC đã thoái vốn thành công tại 1.017 doanh nghiệp, nhưng với các doanh nghiệp quy mô lớn, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của các đợt thoái vốn. Các doanh nghiệp này có sự thay đổi vượt bậc về quản trị, tài chính, thương hiệu...

Tin bài liên quan