Thoái vốn nhà nước: Tắc vì pháp lý

Thoái vốn nhà nước: Tắc vì pháp lý

(ĐTCK) Chính phủ mới tái khẳng định chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa được bao lâu (tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 9/7/2012) thì đã có một số điểm tắc về cơ chế mới xuất hiện, có thể cản trở quá trình này.

Từ chuyện ở VNPT

Phó giám đốc phụ trách tư vấn của một CTCK cho biết, hiện tại, Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đang “tắc” đường thoái vốn tại một CTCP mà tổng công ty này có khoản đầu tư chiếm 8,53% vốn điều lệ của công ty đó. Công ty này có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng.

Năm 2011, công ty được VNPT đầu tư nói trên có lãi trên 11 tỷ đồng, nhưng năm 2010, Công ty bị lỗ 69,3 tỷ đồng. Bảng cân đối kế toán của công ty này cho thấy, lỗ lũy kế đến hết năm 2011 lên tới 141,46 tỷ đồng.

Thoái vốn nhà nước: Tắc vì pháp lý ảnh 1

VNPT hiện đang “kẹt” hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư tại một số doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, Thông tư 242/2009/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 09/2009/NĐ-CP và Thông tư 171/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì việc bán các khoản đầu tư tài chính phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, trong đó, đối với các khoản đầu tư tài chính tại CTCP chưa niêm yết có giá trị trên 10 tỷ đồng thì phải thực hiện bán đấu giá và phải bảo toàn vốn (giá bán không thấp hơn giá trị sổ sách). Việc thực hiện bán thỏa thuận chỉ xảy ra nếu sau khi thực hiện bán công khai, chỉ có 1 người đăng ký mua.

Như vậy, với quy định này, khoản đầu tư của VNPT nói trên buộc phải thực hiện bán đấu giá và phải tuân thủ theo quy định của Luật Chứng khoán. Đây chính là điểm tắc.

Theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật Chứng khoán (có hiệu lực từ 15/9/2012), việc chào bán chứng khoán ra công chúng phải do tổ chức phát hành thực hiện, trừ trường hợp chủ sở hữu là Nhà nước (bao gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) thực hiện bán phần vốn Nhà nước nắm giữ ra công chúng hoặc cổ đông lớn chào bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng. Điều này có nghĩa, VNPT buộc phải thực hiện thủ tục chào bán ra công chúng để thoái 103 tỷ đồng mệnh giá vốn cổ phần tại công ty nói trên.

Tuy nhiên, Luật Chứng khoán cũng đồng thời quy định các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, trong đó có điều kiện DN không được có lỗ lũy kế. Vì thế, con số lỗ lũy kế hơn 141 tỷ đồng của công ty mà VNPT đầu tư là một vật cản quá lớn để VNPT có thể thoái vốn theo quy định. Hồ sơ bán vốn gửi đến UBCK đã bị ách lại. Chỉ có 2 “cửa” cho VNPT thoái vốn hợp lệ: công ty được VNPT đầu tư có lãi năm 2012 trên 141 tỷ đồng để xóa hết lỗ lũy kế trước đó, hoặc quy định pháp lý về chào bán chứng khoán ra công chúng, hoặc cơ chế thoái vốn nhà nước được sửa đổi.

 

… đến chuyện ở những đơn vị khác

Sức ép thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty đang ngày một lớn. Và đương nhiên, chẳng chủ đầu tư nào muốn thoái vốn tại những DN đang làm ăn hiệu quả, lãi lớn. Phần vốn đầu tư vào những DN bị thua lỗ chắc chắn sẽ được “ưu tiên” thoái trước.

Với những khoản đầu tư có giá trị dưới 10 tỷ đồng, hoặc phần vốn tại DN đã niêm yết, đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, việc bán vốn sẽ đơn giản hơn, vì tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể chọn bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nhưng với những khoản đầu tư có giá trị trên 10 tỷ đồng vào các CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM mà bị thua lỗ thì các tập đoàn, tổng công ty hoàn toàn không có cửa làm đúng luật.

Vị phó giám đốc CTCK nói trên cho biết, từng có một vài trường hợp bán đấu giá cổ phần “chui” thông qua CTCK của một tập đoàn lớn trong nước. Bản thân ông cũng cho rằng, quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP “vơ” cả bán vốn cổ phần nhà nước vào nhóm chào bán chứng khoán ra công chúng, phải chịu các ràng buộc pháp lý như việc chào bán chứng khoán ra công chúng nói chung là vô lý, nên sớm được sửa đổi để tránh gây ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.