Kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VCC 4 năm nay vẫn “giậm chân tại chỗ”

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VCC 4 năm nay vẫn “giậm chân tại chỗ”

Thoái vốn nhà nước ì ạch, vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều đợt thoái vốn Nhà nước chậm được triển khai, hoặc “mang đến lại mang về”. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ từ yếu tố khách quan.

Chuyện ở VNCC

Ngày 19/10 tới, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (mã VCC) mới tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay.

VCC là công ty con của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) - doanh nghiệp có 87% vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). VCC từng là thương hiệu uy tín và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, tuy nhiên, mâu thuẫn nội bộ kéo dài, đặc biệt là mâu thuẫn giữa cựu Tổng giám đốc Trần Huy Ánh và Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Nhật Minh, khiến doanh nghiệp này bất ổn suốt 10 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Phó giám đốc VCC, đã kể về những rắc rối, bất đồng giữa lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp khiến kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại công ty này “giậm chân tại chỗ” sau 4 năm.

Cụ thể, thời điểm năm 2018, khi VCC có kế hoạch thoái vốn Nhà nước, Ban điều hành đã thuê Vinacontrol thẩm định giá trị doanh nghiệp và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp của VCC là 33.167 đồng/cổ phần. Ông Trần Nhật Minh, Tổ trưởng Tổ đại diện vốn Nhà nước tại VCC đã tổ chức nhiều cuộc họp để nêu ra những bất cập, thiếu sót trong công tác thẩm định giá và yêu cầu đơn vị tư vấn Vinacontrol bổ sung và đánh giá trung thực giá trị tài sản của VCC sát với giá trị thực tế, nhưng Vinacontrol vẫn bảo lưu ý kiến hoặc chỉnh sửa rất ít. Sau đó, tư vấn thẩm định giá VACO do VNCC lựa chọn định giá lại giá trị cho VCC. Đơn vị thẩm định giá mới đã đưa ra kết quả xác định giá trị của VCC cao gấp nhiều lần, là 120.762 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Trần Huy Ánh lại cho rằng, Vinacontrol đã xác định đúng giá trị doanh nghiệp của VCC, nếu sai sót thì tư vấn chịu và đề nghị Hội đồng quản trị cứ trình kết quả thẩm định giá này lên công ty mẹ VNCC và Bộ Xây dựng.

Ông Thắng cho biết, thực tế như vậy nên có ý kiến trong Công ty cho rằng giá trị 33.167 đồng/cổ phần không đúng với giá thực tài sản của VCC, để từ đó một nhóm cán bộ sẽ cùng nhau thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ.

Chính việc không thống nhất về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn Nhà nước và Tổng giám đốc VCC (để làm căn cứ cho việc xây dựng phương án thoái vốn) đã khiến kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này 4 năm qua (kể từ năm 2018 đến nay) không có tiến triển. Trong khi đó, các cán bộ tâm huyết với Công ty gửi đơn thư khắp nơi đề nghị thực hiện xác định giá trị đúng, đủ và phù hợp nhất với giá trị thực tế tài sản của VCC nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước trong quá trình thoái vốn.

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao công ty mẹ VNCC đã thuê đơn vị định giá mới vào VCC, nhưng lại không có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng kết quả định giá này? Quanh việc thoái vốn của VNCC tại VCC, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt ra các câu hỏi với lãnh đạo VNCC song không nhận được câu trả lời.

Thực tế, sau khi chuyển giao vốn Nhà nước từ Bộ Xây dựng về SCIC, VNCC cũng là doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không nắm giữ cổ phần và SCIC sẽ thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp. Nhiều cổ đông và người lao động của VCC kỳ vọng, SCIC sẽ sớm thực hiện thoái vốn tại VNCC để công ty mẹ “thay máu”, từ đó, công ty con cũng có cơ hội thoát khỏi tình trạng bất ổn kéo dài gần chục năm nay.

“Lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu ngại khó”

Nhìn rộng hơn, từ tháng 9/2022, SCIC đã cấp tập thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp trong danh sách đã được công bố thoái vốn. Phương thức thoái chủ yếu là bán cả lô, tuy nhiên với diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay, cũng như các yếu tố liên quan tới định giá doanh nghiệp, các đợt thoái vốn không dễ thành công.

Đơn cử, mới đây, SCIC đã đưa ra đấu giá cả lô 56.949.500 cổ phần tại Tổng công ty Đầu tư và môi trường Việt Nam (Viwaseen), nhưng hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Số cổ phần này chiếm 98,16% vốn điều lệ thực góp của Wiwaseen. Giá khởi điểm của lô cổ phần là hơn 1.348 tỷ đồng, tương đương 23.670 đồng/cổ phần. Viwaseen có 12 công ty con và liên kết với 7 doanh nghiệp khác, lợi nhuận năm 2021 chỉ đạt gần 17 tỷ đồng (trên quy mô vốn điều lệ 580 tỷ đồng).

Hiện SCIC đang chào bán 19.528.409 cổ phần, chiếm 47,63% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam với giá khởi điểm 390,56 tỷ đồng; hay chào bán lô 6.146.200 cổ phần của Công ty cổ phần Điện máy, tương đương 84,31% vốn điều lệ của công ty này, với giá khởi điểm 137 tỷ đồng.

Trước đây, ở không ít doanh nghiệp SCIC quản lý vốn Nhà nước như Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng bất ổn do thiếu sự đồng lòng giữa các cổ đông, lãnh đạo, SCIC đã phải tái cơ cấu doanh nghiệp, lập lại trật tự quản trị công ty rồi mới thực hiện thoái vốn thành công.

Có không ít khó khăn, thách thức cả chủ quan và khách quan đã khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 “không đạt kế hoạch”. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị đạt 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.

Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng không đạt ở hai nội dung. Đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; đồng thời, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thoái vốn chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị phải thoái giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển đổi thành công ty cổ phần khả thi, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để chậm trễ hơn nữa do càng để lâu càng khó thực hiện, không tận dụng cơ hội đến từ sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Lý giải về việc “vỡ” kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính cho rằng, về nguyên nhân khách quan, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai và tồn tại nhiều vấn đề về tài chính. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực. Đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, rà soát, lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn như xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tồn tại tài chính... chưa tốt.

“Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa cao, còn ngại khó, né tránh, sợ trách nhiệm, thiếu tính chủ động mà trông chờ vào việc thay đổi cơ chế, chính sách mới triển khai, còn tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm đến các bộ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ quyết định. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp”, Bộ Tài chính thừa nhận.

Việc chậm quyết toán cổ phần hóa cũng ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn. Ví dụ như Tổng công ty Thép Việt Nam chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2011 nhưng đến nay, hơn l1 năm chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa.

Thêm vào đó, việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế, chậm rà soát, điều chỉnh kế hoạch nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả, dẫn đến ảnh hưởng đến số thu về ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn.

Tin bài liên quan