Thoái vốn nhà nước chịu áp lực

Thoái vốn nhà nước chịu áp lực

(ĐTCK) Trong Báo cáo mới nhất về thị trường tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Song những đơn vị đang triển khai hoạt động này lại lo như ngồi trên lửa.

Lý do là thị trường thứ cấp đang biến động mạnh, có những phiên nhà đầu tư đã ngỡ VN-Index sẽ chạm đáy thấp nhất trong năm.

Doanh nghiệp đang vào mùa công bố thông tin quý III, trong đó có khá nhiều đơn vị tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, khối ngân hàng thậm chí còn tính mức độ tăng trưởng lợi nhuận bằng lần.

Tuy nhiên, những đốm sáng ấy khó có thể kéo cả thị trường đảo ngược xu hướng. Những tin tức xấu từ thị trường khu vực và thế giới cộng hưởng với sự e ngại về việc thừa dịp “nước đục, thả câu” của những tay to trên thị trường, tạo áp lực tâm lý, gây nhiễu phương hướng để nhà đầu tư nhỏ lẻ rũ hàng.

Hoạt động thoái vốn nhà nước được kích hoạt bằng phiên chào bán cả lô cổ phiếu Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã VCG) của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Số lượng cổ phần chào bán đợt này khá lớn, lên tới hơn 80% vốn điều lệ của Vinaconex, với giá khởi điểm hiện đang cao hơn thị giá VCG trên sàn.

Cuối năm ngoái, SCIC đã chào bán cổ phiếu VCG ở thời điểm thị trường đang hào hứng nhưng đã thất bại, khi giá khởi điểm cũng cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn. Năm nay, điểm khác là bán buôn thay vì bán lẻ và giá khởi điểm cũng thấp hơn khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.

Tính cả lô cổ phần mà SCIC và Viettel chào bán, giá trị thương vụ này nếu thành công, bên mua cần bỏ ra khoảng 7.500-8.000 tỷ đồng. Ðó là con số không nhỏ, bởi vậy bên bán chỉ có thể thở phào cho đến khi tiền mua cổ phần nổi trên tài khoản.

Còn mới dừng ở đăng ký cũng chưa chắc ăn, một số phiên đấu giá cổ phần ngân hàng vừa qua, nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ cọc hàng triệu cổ phiếu.

Rất khó để các bên bán vốn linh hoạt và thích ứng theo thị trường ở những thời điểm như hiện nay. Theo Nghị định 32/2018/NÐ-CP, giá khởi điểm được quy định phải công bố cùng các tài liệu bán vốn khác trong thời gian tối thiểu 20 ngày trước ngày đấu giá/chào bán.

Trong điều kiện thị trường biến động rất lớn, việc công bố sớm giá khởi điểm rất dễ dẫn tới tình trạng mức giá này sẽ không còn phù hợp tại thời điểm đấu giá (vì giá bán cổ phần không được thấp hơn giá sàn).

Trong khi đó, để xác định được giá khởi điểm bán cổ phần không đơn giản. Ðơn cử như chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm khiến các đơn vị thẩm định giá không biết xác định chênh lệch tiền thuê đất còn lại theo phương pháp chiết khấu dòng chênh lệch của từng năm trong tương lai về hiện tại hay cộng cơ học đơn thuần; giá trị quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác sẽ tính theo cách nào…

Khi chứng khoán đã có tên trong các báo cáo vĩ mô của cơ quan quản lý nhà nước, rõ ràng sự bấp bênh của nó không chỉ là câu chuyện được mất của nhà đầu tư, mà còn tác động đến không ít nhiệm vụ quan trọng khác của nền kinh tế.

Tin bài liên quan