Mới có 16/316 doanh nghiệp thoái vốn
Cùng chung tình cảnh như cổ phần hóa, tiến độ thoái vốn nhà nước tại các công ty đã cổ phần hóa trong nửa đầu năm nay rất chậm.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Thế nhưng, theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 5 đơn vị thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay mới chỉ có 16/316 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn (năm 2017 có 11 đơn vị thoái vốn).
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn bằng 57% so với năm 2017. Các Sở giao dịch chứng khoán tổ chức 40 phiên đấu giá cổ phần, trong đó có 16 phiên phát hành lần đầu ra công chúng, 24 phiên thoái vốn.
Lý giải nguyên nhân thoái vốn nhà nước chậm, Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành cơ chế báo cáo ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự nghiêm túc.
Ngoài ra, biến động của thị trường chứng khoán thời gian qua đã tác động đến khả năng hấp thụ nguồn cung lượng cổ phần mà Nhà nước cần thoái vốn; nhiều doanh nghiệp thoái vốn quy mô nhỏ, hoạt động trong những lĩnh vực ít có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh doanh cũng như tính minh bạch thông tin kém.
Một nguyên nhân quan trọng khác được ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ ra, đó là theo quy định, giá thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần phải theo giá trị thực tế, trong đó giá đất phải bao gồm giá trị tạo ra từ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất thuê, lợi thế vị trí địa lý…
Thế nhưng, cho đến nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định các giá trị này khi định giá đất để thoái vốn, khiến các địa phương lúng túng trong hoạt động thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần.
Một số kiến nghị giải pháp
Ông Nguyễn Văn Yên đề nghị Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết cách tính giá trị tạo ra từ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất thuê, lợi thế vị trí địa lý… trong quá trình định giá đất đai khi tính toán giá trị khoản vốn nhà nước muốn thoái.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ xem xét kiến nghị trên, để ban hành hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thoái vốn nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, điều quan trọng là cơ quan đại diện chủ sở hữu cần khẩn trương thực hiện thoái vốn nhà nước, phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch thì cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.
Nhằm đảm bảo có căn cứ pháp lý và tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn thống nhất chung việc đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình thoái vốn, qua đó giúp quá trình thoái vốn minh bạch, thu hút nhà đầu tư tham gia.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái vốn nhà nước được 2.506 tỷ đồng, thu về 6.458 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 5 đơn vị thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg với giá trị 778 tỷ đồng, thu về 823 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 1.727 tỷ đồng, thu về 5.634 tỷ đồng (trong đó thoái vốn tại các lĩnh vực: chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư được 434 tỷ đồng, thu về 507 tỷ đồng; thoái vốn tại các lĩnh vực khác được 1.081 tỷ đồng, thu về 2.469 tỷ đồng).