Tiếp tục phấn đấu trở thành nhà sản xuất săm lốp xe hàng đầu Đông Nam Á, từ năm 2014, CSM thoái vốn tại các dự án bất động sản, đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh cốt lõi.
Điểm nổi bật của CSM trong năm 2014 chính là đã hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất lốp radial (lốp toàn thép) sau gần 2 năm đầu tư. Bắt đầu từ quý III/2014, CSM triển khai kinh doanh sản phẩm từ nhà máy này, dự kiến tiêu thụ khoảng 50.000 chiếc, ghi nhận doanh thu khoảng 250 tỷ đồng.
Công ty sẽ phát triển mạng lưới phân phối riêng nhằm chuẩn bị cho việc tung sản phẩm ra thị trường sắp tới. Trong giai đoạn 1, CSM đã đầu tư 1.500 tỷ đồng vào nhà máy với công suất 350.000 lốp. Dự kiến giai đoạn 2 từ năm 2013 - 2015, công suất sẽ tăng lên 600.000 lốp/năm. Giai đoạn 3 từ 2015 - 2017 sẽ tăng công suất lên 1 triệu lốp/năm.
Đặc tính của lốp radial là có độ bền gấp 2 lần so với lốp bias, giảm tiêu hao nhiên liệu từ 12 - 15%, tản nhiệt nhanh…, rất phù hợp với yêu cầu xe tải nặng, chạy đường dài. Ở các nước đã và đang phát triển, lốp radial chiếm khoảng 60 - 90% tổng lượng lốp xe lưu hành, trong khi ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 10%, trong đó phải nhập khẩu tới 90% sản lượng tiêu thụ. Điều này cho thấy, dư địa để phát triển dòng lốp này ở Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, thị trường lốp radial chịu sự cạnh tranh khá khốc liệt từ các DN FDI có tên tuổi lớn như Michelin, Bridgestone, Kumho và các DN Trung Quốc với giá bán thấp. Ba DN trong nước gồm SRC, CSM và DRC chỉ chiếm 12,8% thị phần xuất khẩu. Vì vậy, áp lực cạnh tranh đối với CSM là khá lớn để có thể giành lấy thị phần trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh như vậy, việc sớm đưa nhà máy vào vận hành từ đầu tháng 4/2014 sẽ giúp CSM vừa đa dạng hóa được sản phẩm, đồng thời có cơ hội đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi Việt Nam lại đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên, thuế xuất khẩu săm lốp là 0%. Theo định hướng lâu dài, 60% sản lượng của nhà máy sẽ được xuất khẩu và 40% tiêu thụ nội địa. Đây cũng chính là tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn của CSM.
Trước mắt, trong năm 2014, CSM sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu để đạt tỷ trọng 30%/tổng doanh thu (năm 2013 là 29%) và tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt trên 30%. Tiến đến mục tiêu xuất khẩu đạt 40% tổng doanh thu vào năm 2015 và tiêu thụ 350.000 lốp radial toàn thép trước 31/12/2015. Hiện CSM có hệ thống phân phối rộng khắp với hơn 200 đại lý trong nước và các nhà phân phối tại 36 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, do nhà máy mới đi vào hoạt động nên biên lợi nhuận gộp năm 2014 sẽ chịu ảnh hưởng bởi chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cho nhà máy. Theo đó, năm 2014, CSM thận trọng đặt kế hoạch doanh thu 3.350 tỷ đồng, tăng 7%, nhưng lợi nhuận trước thuế (không tính lợi nhuận từ bất động sản) 300 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm 2013.
Bên cạnh việc tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, CSM cũng luôn chú trọng tới quyền lợi cổ đông, NĐT thông qua chính sách trả cổ tức hấp dẫn (23% bằng tiền năm 2013 và tối thiểu 12% năm 2014), công bố thông tin minh bạch, kịp thời.
Báo cáo thường niên 2013 này, trong Thông điệp Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Thế Chuyên, Chủ tịch HĐQT CSM đã thẳng thắn nhận định, trong giai đoạn đầu khi công suất nhà máy chưa đạt kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của CSM, tác động đến quyền lợi của cổ đông. Tuy nhiên, để tăng tốc phát triển, CSM cần thay đổi và tập trung đầu tư mạnh hơn.
Dù gặp áp lực lớn từ dự án lốp radial nhưng theo Ban lãnh đạo Công ty, đây cũng là cơ hội để tiếp cận với kỹ thuật công nghệ cao, loại bỏ dần chủng loại sản phẩm ít tính năng, cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Đồng thời, CSM tin tưởng sẽ đạt được mức tiêu thụ kỳ vọng với dòng lốp này với sự góp sức, ủng hộ của CBCNV và cổ đông.