Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất tại PG Bank, với tỷ lệ sở hữu 40%

Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất tại PG Bank, với tỷ lệ sở hữu 40%

Thoái vốn ngoài ngành: thoái ít, thêm nhiều

(ĐTCK) Tháng 8/2013, Thủ tướng đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015, song việc triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN còn rời rạc, đáng chú ý là tình trạng “thoái ít, thêm nhiều”.

Thoái được 19,1%

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 - 2015 cho biết, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, giúp các DN tập trung hơn vào những lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Trong đó, cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN.

Riêng năm 2013, có 101 DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, trong đó, cổ phần hóa 74 DN (bao gồm 12 tổng công ty), chuyển thành công ty TNHH một thành viên 12 DN; sáp nhập, hợp nhất 12 DN, bán 3 DN.

Tổng số DN cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 DN, bao gồm 3.650 DN và 415 bộ phận DN. Số DN 100% vốn nhà nước tính đến 31/12/2013 còn 949 DN.

“Cổ phần hóa tiếp tục được xác định là khâu trọng tâm, giải pháp chủ yếu, triệt để, hiệu quả trong tái cơ cấu DNNN. Các DN này hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước khó khăn, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô… việc cổ phần hóa DN trong giai đoạn 2011 - 2013 với số cổ phần chào bán trị giá gần 19.000 tỷ đồng là một nỗ lực rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nói.

Hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành được quan tâm hơn với tổng vốn đã thoái trong giai đoạn 2011 - 2013 là 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành, đạt 19,1%. Điều này cho thấy, 81% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, tương đương 17.633 tỷ đồng cần phải thoái trong 2 năm 2014 - 2015 vẫn đang nằm ở những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính là con số không nhỏ cho một giai đoạn nước rút. Trong khi đó, DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, nhiều DN quy mô còn nhỏ.

“Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, việc rút vốn, thoái vốn rất khó khăn, trong tổng số 4.164 tỷ đồng đã thoái, chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỷ đồng là bán trong nội bộ. Điều này có nghĩa, vốn chủ yếu là chuyển giao trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ thực hiện thoái vốn tại các công ty thủy điện: Sông Côn, Phú Yên, Đắk Sin và Bảo Lộc theo hướng bán cho đối tác chiến lược, hiện đang trong giai đoạn khảo sát tính toán phương án. Với Khách sạn Móng Cái, VRG đã hoàn tất kiểm toán, định giá tài sản, hiện đang đàm phán với đối tác để hoàn chỉnh phương án bán vốn.

Thực tế cho thấy, VRG cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành thời gian qua là không đáng kể.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến cuối năm 2012 có vốn góp trực tiếp tại 34 công ty cổ phần thuộc nhiều lĩnh vực, với tổng vốn thực góp 16.058,8 tỷ đồng. EVN đã thực hiện chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu, thu về 26 tỷ đồng. Với số vốn góp tại ABBank, năm 2013, EVN bán đấu giá theo lô lớn 25,2 triệu cổ phần, nhưng sau giao dịch này, EVN vẫn còn sở hữu hơn 16% cổ phần của ABBank.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thực hiện thoái vốn tại CTCP Cơ khí May Gia Lâm, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Trường Đại học Trưng Vương và Ngân hàng TMCP Xuất khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, với giá trị thu về 153,35 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang có khoản đầu tư 80 triệu cổ phần, chiếm 20% cổ phần tại OceanBank. PVN cho biết, Tập đoàn đã lên kế hoạch thoái vốn khoản đầu tư này từ lâu mà chưa tìm được đối tác.

Vinacomin vẫn là cổ đông lớn của SHB; VNPT sở hữu vốn tại Maritimebank; Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất tại PG Bank, với tỷ lệ sở hữu 40%. 

Thêm 1.228 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng

Để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2015 là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Về cổ phần hóa, do 3 năm 2011 - 2013 đạt kết quả thấp nên số DN cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014 - 2015 là 432 DN. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới để bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều DNNN không những không thực hiện thoái vốn, mà còn tiếp tục rót vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó, riêng lĩnh vực ngân hàng rót thêm tổng cộng 1.228 tỷ đồng. Chẳng hạn, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM tăng 93 tỷ đồng đầu tư vào một ngân hàng tại TP. HCM; Tổng công ty Becamex Bình Dương tăng 47 tỷ đồng đầu tư vào BIDV; Saigontourist tăng 24 tỷ đồng đầu tư vào SaigonBank…

Theo một lãnh đạo Ban Kế hoạch Đầu tư VRG, đến năm 2015, Tập đoàn phấn đấu có khoảng 10 công ty thoái vốn ngoài ngành nghề chính theo hướng các công ty đủ điều kiện sẽ hoàn tất thủ tục để giao dịch và bán chủ yếu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, với các dự án đang trong giai đoạn đầu tư, điển hình là các dự án thủy điện chưa có hiệu quả, VRG sẽ chưa thoái vốn, thậm chí tiếp tục đầu tư theo cam kết để đảm bảo dự án hoàn thành. Sau khi hoàn thành dự án, VRG sẽ từng bước thoái vốn theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, việc thực hiện thoái vốn ngoài ngành đương nhiên đòi hỏi DNNN phải đối mặt với những “cái được, cái mất.” Do đó, bên cạnh những lý do khách quan thì vẫn có những lý do khác như vì lợi ích cục bộ mà hoạt động thoái vốn bị trì hoãn trong thời gian qua.

“Cổ phần hóa không phải là cách đi duy nhất để cải cách và tái cấu trúc DNNN. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa là không thể dừng lại. Vấn đề được quan tâm hiện nay là DNNN thoái vốn đầu tư ra khỏi các công ty con, các dự án, hoặc rút cổ phần khỏi các hoạt động đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright tại Việt Nam nhận xét.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tháng 2/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về thoái vốn nhà nước, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá, phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian…

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước. Giá mua theo thị trường, không cao hơn giá trị sổ sách trừ khoản dự phòng giảm giá. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN chủ động thông báo, phối hợp với SCIC để thực hiện, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

“Việc thoái vốn thời gian qua diễn ra chậm do cản trở tâm lý. Trước đây, công ty mẹ đầu tư cả ngàn tỷ đồng ngoài ngành, nay chỉ thoái vốn vài trăm tỷ đồng (do lỗ) nên sẽ phải làm rõ số vốn còn lại ở đâu. Để tránh trách nhiệm, lãnh đạo một số đơn vị không thoái vốn ngay và dây dưa cho đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ cho phép DNNN có thể thoái vốn dưới giá trị sổ sách nên quá trình thoái vốn sẽ diễn ra nhanh hơn”, TS. Nghĩa nói.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan