Theo công bố của SCIC, Tổng công ty tổ chức đấu giá cả lô hơn 46 triệu cổ phần với giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phần, tức là cao hơn gần 5% so với thị giá FPT đang giao dịch trên sàn HOSE hiện nay.
Dễ hiểu vì sao SCIC lại đấu giá cả lô cổ phần. Trên thực tế, tỷ lệ sở hữu trên cũng chỉ chiếm hơn 5% cổ phần tại FPT và nếu xé lẻ ra bán thì Tổng công ty có thể rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi tỷ lệ sở hữu ở doanh nghiệp chỉ còn rất nhỏ, nhưng vẫn phải tổ chức quản lý vốn tương tự như các doanh nghiệp sở hữu quy mô lớn hơn.
Nhìn một cách thẳng thắn, mức độ hấp dẫn từ đợt thoái vốn này không cao. Thứ nhất, cuộc chơi chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước vì đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã kín room 49%.
Thứ hai, các nhà đầu tư trong nước nếu mua lô cổ phần này sẽ chỉ phục vụ được mục tiêu đầu tư tài chính, bởi tỷ lệ sở hữu trên không đủ để họ tham gia vào công tác quản trị doanh nghiệp.
Đầu tư tài chính với mức giá trúng đấu giá (nếu tham gia) có thể khiến tổ chức phải trích lập dự phòng ngay một khoản không nhỏ so với chênh lệch thị giá cổ phiếu trên sàn. Sẽ khó có tổ chức nào chấp nhận phương án kinh doanh trên.
Tuy nhiên, với các cơ chế hiện nay, SCIC khó có thể ấn định giá khởi điểm bán cổ phần FPT dưới giá trung bình 60 phiên giao dịch gần nhất.
Về triển vọng đầu tư vào FPT, hoạt động doanh nghiệp và các kết quả kinh doanh gần đây cho thấy mức độ tăng trưởng duy trì tốt.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT lần lượt đạt 11.199 tỷ đồng và 1.993 tỷ đồng, tăng 12,4% và 16% so với cùng kỳ 2019.
Mảng xuất khẩu phần mềm có dấu hiệu giảm tốc với tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 tháng đầu năm đạt 20,5% (5 tháng đầu năm 2019 là 38%), dưới tác động của dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ và Nhật Bản.
Đối với mảng viễn thông, FPT ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 12,4% và lợi nhuận trước thuế 31,3% trong 5 tháng đầu năm 2020 nhờ tiết giảm chi phí hoạt động. Mảng quảng cáo bị ảnh hưởng mạnh với doanh thu giảm 19% và lợi nhuận trước thuế giảm 25,8% so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng trưởng doanh thu ở tất cả các mảng đều có dấu hiệu suy giảm trong tháng 4 và tháng 5 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt ở hai mảng công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ quảng cáo, song với diễn biến dịch trong nước đã được khống chế, đà tăng trưởng của hai mảng thị trường này được nhận định có thể được cải thiện trong nửa cuối năm 2020, giúp kết quả kinh doanh của FPT không bị biến động mạnh như nhiều doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông và tính đại chúng của FPT hiện nay, khả năng biến động giá do các yếu tố ngoài lực kéo từ kết quả kinh doanh thuận lợi là rất thấp.
Trong kịch bản lạc quan nhất, một số công ty chứng khoán dự phóng giá cổ phiếu FPT sẽ vượt 60.000 đồng/cổ phần trong năm nay. Nhưng dự báo của các công ty chứng khoán chưa bao giờ có thể trở thành cơ sở cho một phương án kinh doanh khả thi.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho rằng, đợt đấu giá sẽ chỉ hấp dẫn khi thị giá FPT chạy một mạch, đẩy thị giá tạo khoảng cách đủ để kích thích lòng tham của các tổ chức đầu tư.
Tuy vậy, kịch bản này cũng không tỏ ra chắc chắn, bởi nếu trúng thầu ở giá thấp nhất, quy mô đầu tư của lô cổ phần này cũng lên tới 2.254 tỷ đồng.
Thoái vốn tại những doanh nghiệp tên tuổi như FPT tưởng là dễ, nhưng như đã phân tích sẽ không dễ với SCIC. Nhìn rộng hơn, trong danh mục của SCIC, hiện đang có ít nhất 5-6 doanh nghiệp thuộc diện này.
Doanh nghiệp có thương hiệu, hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhưng rất khó thoái vốn bởi nút chặn ở cơ cấu cổ đông hiện hữu và cơ chế định giá doanh nghiệp “bó cứng”.