Rủi ro nằm ở không minh bạch
Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến nay, các DNNN, chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty mới thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng (tương đương 19%) đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính.
Để tháo gỡ bế tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Trong đó, cho phép DNNN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính dưới mệnh giá, hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN, sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định.
Định hướng cải cách trên đang chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 để áp dụng trên thực tế. Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định này, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Trong bối cảnh cơ quan quản lý đang hoàn chỉnh văn bản pháp lý để chính thức hóa việc triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, các chuyên gia cho rằng, nếu văn bản pháp lý này không quy định chặt chẽ quy trình thoái vốn, trách nhiệm của lãnh đạo DN bán vốn, các đơn vị tổ chức định giá, bán đấu giá cổ phần, cũng như không tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Là chuyên gia trong lĩnh vực cổ phần hóa, ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc cho phép thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, về bản chất là tuân thủ nguyên tắc thị trường trong hoạt động đầu tư của DNNN. Bởi vậy, với những khoản đầu tư không hiệu quả, bị lỗ, thì theo nguyên tắc thị trường, đương nhiên phải thoái vốn dưới mệnh giá, chấp nhận cắt lỗ. Để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá không làm thất thoát tài sản Nhà nước, điều quan trọng nhất là nguyên tắc minh bạch phải được các bên liên quan tuân thủ.
“Việc tổ chức thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá phải minh bạch từ khâu phê duyệt kế hoạch, tổ chức đấu giá, đến công khai thông tin về giá bán, bán cho ai, ai đăng ký mua, mua với khối lượng bao nhiêu…”, ông Tặng nói và cảnh báo, nếu không minh bạch, không tuân thủ nguyên tắc thị trường, quá trình triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá có nguy cơ khiến tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Pháp lý sẽ “rào” chặt
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, để ngăn chặn nguy cơ trên, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc, quy trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Theo đó, căn cứ Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, các bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo DN thuộc phạm vi quản lý xây dựng chi tiết kế hoạch, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai theo hướng đảm bảo nguyên tắc thị trường và minh bạch.
Trong đó, việc xác định giá khởi điểm đối với các khoản đầu tư ngoài ngành được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá, đảm bảo nguyên tắc xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn đầu tư ra ngoài ngành.
Tùy giá trị của khoản vốn đầu tư ngoài ngành cần thoái, mà thực hiện chuyển nhượng vốn theo hình thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán, đấu giá công khai, hoặc thỏa thuận trực tiếp. Khi được cấp có thẩm quyền cho phép thoái vốn theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn không được quyết định chuyển nhượng cho DN trong đó có người thân như: vợ, chồng, cha… là người quản lý cũng như cho các cá nhân này.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết thêm, dự thảo Quyết định nêu trên sắp được Bộ Tài chính hoàn tất, để lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan. Dự kiến, trong tháng 4 tới, dự thảo Quyết định sẽ được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.