Thoái vốn đúng cách sẽ đem lại lợi ích kép

Thoái vốn đúng cách sẽ đem lại lợi ích kép

(ĐTCK) Hiện vẫn còn sớm để đưa ra nhận định về mức độ thành công của đợt thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), bởi phải đến ngày 18/12 tới, khi phiên bán vốn theo phương thức cạnh tranh diễn ra, thì mới có câu trả lời rõ ràng.

Tuy nhiên, với cách thức triển khai bán vốn đang được thúc đẩy theo hướng gia tăng tính minh bạch, hướng đến thị trường và nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, triển vọng về sự thành công của đợt thoái vốn này là hiện hữu.

Sự minh bạch trong việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Thắng Hải, là không có lợi ích nhóm trong quá trình bán vốn.

Ngoài cập nhật thông tin công khai, minh bạch trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cho thị trường, Ban tổ chức bán vốn còn trực tiếp triển khai các buổi giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Sabeco tại các thị trường tài chính lớn như Anh, Singapore…

Sự minh bạch trên, theo nhìn nhận của lãnh đạo Bộ Công thương, là một trong những lý do giúp cho giá chào mua của nhà đầu tư liên tục tăng trong những ngày qua. Nếu như ở thời điểm công khai giá chào bán khởi điểm ngày 28/11 là 320.000 đồng/cổ phiếu, khiến không ít ý kiến nghi ngại mức giá khá cao này sẽ khiến đợt thoái vốn khó thành công, thì đến ngày 1/12 đã tăng lên 330.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu thành công trong việc bán 343 triệu cổ phiếu SAB, tương đương 53,59%/88,59% tổng số vốn nhà nước đang nắm giữ tại Sabeco, có thể mang lại cho Nhà nước khoản thu 9 tỷ USD, thay vì 5 tỷ USD như dự kiến ban đầu.

Việc nhà đầu tư đang hào hứng mua cổ phần Sabeco, ngoài lý do họ nhìn vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, triển vọng về thị trường bia Việt Nam, thì minh bạch trong tổ chức thoái vốn đang mang lại kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo Ban chỉ đạo Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp, số thu từ thoái vốn, cổ phần hoá phải nộp về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 mới là hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch.

Ðể hoàn thành kế hoạch thu về cho ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng trong năm nay, ngoài việc cần thúc đẩy tiến độ, thì nâng cao giá trị cho các đợt thoái vốn đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cải thiện công khai, minh bạch có ý nghĩa quyết định. Dư địa để  làm mới cách bán còn nhiều.

Ðể khắc phục bất cập của cơ chế thoái vốn hiện hành, nhất là góp phần nâng cao tính minh bạch và công khai của hoạt động thoái vốn, Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Một khi cơ chế mới được ban hành với những ý tưởng cải cách từ cơ quan soạn thảo, cùng với việc tổ chức thực hiện được triển khai hiệu quả, sẽ không chỉ khắc phục tình trạng thoái vốn chậm hiện tại, mà quan trọng hơn là giúp cho Nhà nước và nhà đầu tư cùng thắng, Nhà nước thu được kết quả thoái vốn cao hơn, còn nhà đầu tư có thêm những cơ hội đầu tư mới.

Tin bài liên quan