Những rào cản thoái vốn
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm 2018, HNX tổ chức 40 phiên đấu giá, trong đó có 29 phiên đấu giá thoái vốn, 10 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua. Khối lượng cổ phần trúng giá đạt tỷ lệ thành công 54%.
Kết quả thoái vốn Nhà nước những năm gần đây.
Theo thống kê trên hệ thống FiinPro và thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về các thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên cả 3 sàn chứng khoán, năm 2018, giá trị thoái vốn nhà nước là 13.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc thoái vốn khỏi Vinaconex (9.400 tỷ đồng) và Nhựa Bình Minh (2.300 tỷ đồng). Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chỉ đạt 20%, với 18/98 công ty được thoái vốn.
Ông Trần Ðình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và Bảo lãnh phát hành, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhìn nhận, có 4 nguyên nhân chính khiến việc thoái vốn nhà nước năm 2018 không được như mong đợi.
Một là, hướng dẫn về chế độ chính sách định giá khi thoái vốn quy định tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NÐ-CP) tới tháng 9 mới có hiệu lực, khi đó mới có đủ cơ sở thực hiện các pháp lý thoái vốn.
Hai là, khi Nghị định 91 còn hiệu lực, trước đó là Nghị định 71, đối tượng thoái vốn bao gồm cả công ty cổ phần có vốn nhà nước, nhưng Nghị định 32 chỉ quy định đối với các công ty 100% vốn nhà nước và công ty TNHH, tổng công ty thuộc bộ và công ty cổ phần có vốn góp của công ty 100% vốn nhà nước. Còn những đối tượng như tổng công ty cổ phần mà Nhà nước chi phối thì khi thực hiện thoái vốn lại không thuộc đối tượng của Nghị định 32, hình thức thoái vốn cũng không được hướng dẫn rõ ràng.
Ba là về phương thức triển khai. Các doanh nghiệp niêm yết có thể thoái vốn nhà nước qua phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn, nhưng đa phần các đại diện vốn nhà nước, hoặc cơ quan phê duyệt phương án thoái vốn e ngại phương thức này và định hướng bán qua các cuộc đấu giá.
Bốn là, Nghị định 32 có một quy định liên quan đến "chặn giá mua", đó là mức giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được xác định bởi tổ chức định giá, nhưng không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán. Ðây là bất cập khiến nhiều người mua có nhu cầu cũng không dám đăng ký.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán năm 2018 trải qua nhiều đợt điều chỉnh, ảnh hưởng một phần đến công tác thoái vốn. Ðứng trên phương diện của đơn vị tư vấn, ông Dũng cho rằng, nếu bán vốn ở tỷ lệ lớn đến mức người mua có thể chi phối doanh nghiệp thì sẽ không bị phụ thuộc nhiều bởi yếu tố thị trường.
Theo chuyên gia của VDSC, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn nhà nước là sự bất cập của Nghị định 32.
Kỳ vọng khó khăn sẽ được tháo gỡ
Bước sang năm 2019, nhu cầu thoái vốn của Chính phủ được nhìn nhận là cấp bách hơn, do áp lực nợ công và thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, bên cạnh những công ty có kế hoạch thoái vốn năm 2019 là hơn 80 công ty chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2018.
Mới đây, Bộ Tài chính công bố kỳ vọng, năm 2019 sẽ thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước, cao hơn 40% so với năm 2018. Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, Chính phủ sẽ có giải pháp để đẩy mạnh hoạt động thoái vốn nhà nước, trong đó có việc hạ kỳ vọng giá bán, hoặc bán với tỷ lệ lớn, tức giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về mức không kiểm soát trong doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
Một số doanh nghiệp mà Nhà nước dự kiến thoái vốn.
Hoạt động thoái vốn nhà nước sôi động trở lại sẽ góp phần cải thiện tâm lý thị trường chứng khoán, tương tự như đầu năm 2018 với các thương vụ IPO của BSR, OIL và POW.
Ông Trần Ðình Dũng cho biết, bộ phận tư vấn của SHS đã nộp nhiều hồ sơ đấu giá cổ phần lên Sở giao dịch chứng khoán, kỳ vọng hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ khởi sắc hơn trong năm 2019.
“Tuy nhiên, thành công không sẽ phụ thuộc vào những yếu tố khác liệu có thể cởi mở hay không", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các công ty cổ phần có vốn nhà nước thoái vốn tại các công ty con. Hiện nay, đối tượng này đang bị áp theo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, nhưng bản thân người đại diện vốn nhà nước tại các công ty đó lại phải theo Nghị định 32. Nên thống nhất cho đối tượng này, cụ thể là áp dụng theo Nghị định 32 để bán vốn nhà nước.
Cùng với đó, cần linh hoạt, cởi mở hơn trong định giá khởi điểm. Ðiểm tiếp theo cần cải thiện liên quan đến số lượng thoái vốn cũng như IPO. Việc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (51%) sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng, khả năng có nhà đầu tư chiến lược càng khó, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu lo ngại sẽ thất thoát tài sản nhà nước, hay không lựa chọn đúng nhà đầu tư chiến lược, thì trước khi đấu giá cần siết chặt các tiêu chí, thậm chí ban hành các tiêu chí để lựa chọn như ngành nghề, tài chính..., còn tỷ lệ Nhà nước nắm giữ nên giảm xuống dưới 51%. Thực tế, điều này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc có bán được vốn hay không.