Thoái vốn 2019 - 2020 đối diện nhiều khó khăn

Thoái vốn 2019 - 2020 đối diện nhiều khó khăn

(ĐTCK) Phương án thoái vốn giai đoạn 2019 - 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều khó khăn phát sinh có khả năng ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành cũng như nguồn thu cho ngân sách nhà nước.  

Trong phương án đang được xem xét, số lượng doanh nghiệp chuyển giao về Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 94, bao gồm 70 doanh nghiệp thuộc các địa phương chưa hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017 - 2018 và 24 doanh nghiệp đã thuộc danh mục chuyển giao về SCIC theo Quyết định 1232/QÐ-TTg nhưng đến nay chưa hoàn thành việc chuyển giao. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, phương án này rất có thể phải đối mặt với nhiều yếu tố làm chậm quá trình thoái vốn.

Phân tích của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, trước hết, thời gian hoàn thành thoái vốn sẽ bị kéo dài do mất thêm thời gian bàn giao về SCIC, dẫn đến khả năng khó đảm bảo tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Theo quy định tại Thông tư 83/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC, việc chuyển giao doanh nghiệp từ bộ, địa phương về SCIC phải thực hiện một số thủ tục, trình tự nhất định để xây dựng hồ sơ và thực hiện chuyển giao doanh nghiệp.

Do vậy, việc các bộ, địa phương dừng thực hiện phương án thoái vốn để hoàn thiện hồ sơ chuyển giao cho SCIC có thể không kịp theo kế hoạch thoái vốn do các bộ, địa phương đã phê duyệt.   

Trong phương án đang được xem xét, 94 doanh nghiệp chuyển giao về SCIC thoái vốn 

Ðồng thời, trong năm 2019, như các phương án đang cân nhắc thì SCIC có thể phải tiếp nhận thêm 24 doanh nghiệp đến nay chưa hoàn thành chuyển giao theo phê duyệt tại Quyết định 1232/QÐ-TTg và một số doanh nghiệp do bộ, địa phương đã kiến nghị chuyển giao về SCIC.

Do vậy, theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trường hợp SCIC tiếp nhận 70 doanh nghiệp đồng thời với các doanh nghiệp tiếp nhận thêm này để hoàn thành thoái vốn nhà nước trong năm 2019 tại toàn bộ các doanh nghiệp tiếp nhận thì cần phải đánh giá thêm về tính khả thi trong thực hiện mới có thể đảm bảo thực hiện phương án thoái vốn một cách tối ưu.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới tiến trình chuyển giao và thoái vốn của doanh nghiệp là việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC có thể phát sinh thêm kinh phí thực hiện và vướng mắc pháp lý khi xử lý chuyển tiếp các hợp đồng tư vấn, định giá, chứng thư thẩm định giá quá thời hạn.

Cũng cần nói thêm rằng, đối với hầu hết doanh nghiệp thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 - 2018, đến nay, các bộ, địa phương đã và đang tiến hành thực hiện các bước của quá trình thoái vốn theo quy định.

Theo đó, đang xác định giá trị phần vốn nhà nước; đã hoàn thành phương án thoái vốn để cấp có thẩm quyền phê duyệt; đã phê duyệt phương án và đang làm thủ tục chào bán công khai theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, các bộ, địa phương đã thực hiện hoặc uỷ quyền thực hiện ký hợp đồng tư vấn xây dựng phương án thoái vốn, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, chẳng hạn như Bộ Xây dựng đã hoàn thiện việc kiểm toán để quyết toán vốn lần 2 tại các doanh nghiệp, đã xác định xong giá trị doanh nghiệp đối với 7 tổng công ty để phê duyệt phương án thoái vốn theo quy định.

Việc chuyển giao doanh nghiệp từ bộ, địa phương về SCIC liên quan đến nghĩa vụ chuyển tiếp hợp đồng tư vấn, định giá đã ký, thời hạn của chứng thư thẩm định giá đã ban hành… Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền, tuy nhiên, đến nay phương án thực hiện vẫn chưa rõ ràng.

Theo Nghị quyết 26 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách trung ương.

Theo các quy định hiện hành, các bộ, địa phương sau khi hoàn thành thoái vốn theo danh mục phê duyệt tại Quyết định 1232/QÐ-TTg thì phải chuyển nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá về Quỹ Hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp để Bộ Tài chính tổng hợp và cân đối nguồn thu nộp ngân sách trung ương theo quy định nêu trên.

Trong trường hợp giao SCIC thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc bộ, địa phương chuyển giao thêm thì nguồn thu này sẽ không được chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp mà được hạch toán vào vốn chủ sở hữu và doanh thu của SCIC theo quy định hiện hành.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng, việc chuyển giao bổ sung 70 doanh nghiệp về SCIC cần phải rà soát và tính toán khả năng đảm bảo nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị quyết 26/2016/QH14.

Tin bài liên quan