Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chỉ ngay sau 1 ngày đăng ký giao dịch, cổ đông lớn này đã thoái thành công toàn bộ hơn 77% vốn tại CPA.
Thống kê phiên giao dịch ngày 28/12, lượng cổ phiếu CPA trên đã được sang tay bằng hình thức thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 232 tỷ đồng, tương ứng giá giao dịch bình quân gần 12.700 đồng/CP, trong khi giá đóng cửa của cổ phiếu này là 11.200 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, một loạt cá nhân cũng đã công bố mua thành công lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Cà phê Phước An từ ngày 28/12/2022. Cụ thể, bà Tôn Thị Bích Vân, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng và Nguyễn Trần Xuân Mai đều hoàn tất việc mua vào hơn 5,88 triệu cổ phiếu CPA và nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty từ 0% lên 24,9%.
Cà phê Phước An tiền thân là Nông trường Quốc doanh Phước An, được thành lập vào ngày 1/04/1977. Đến cuối năm 2017, Cà phê Phước An tiến hành cổ phần hoá và đây cũng là thời điểm Nutifood tham gia đầu tư chiến lược.
Đến năm 2020, Nutifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Cà phê Phước An với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích chào bán là bổ sung vốn và trả nợ vay. Sau giao dịch, Nutifood đã trở thành công ty mẹ chi phối 77,31% vốn.
Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2022, Cà phê Phước An ghi nhận doanh thu đạt 61,9 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí quản lý tăng cao trong khi doanh thu tài chính lại giảm khiến doanh nghiệp lỗ ròng 6,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đó lỗ chưa đến 1 tỷ đồng.