Hôm thứ Sáu (22/7), Ukraine và Nga đã ký hiệp ước song song với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Đây là một thỏa thuận nhằm khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và điều này sẽ giúp giảm chi phí ngũ cốc và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thỏa thuận được ký kết bởi Nga và Ukraine được ca ngợi là một bước đột phá ngoại giao giúp kiềm chế giá lương thực toàn cầu tăng vọt, nhưng căng thẳng đã bước vào tháng thứ sáu và vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc giao tranh sẽ ngừng lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7, giá lúa mì ở Chicago giảm 5,9% xuống 7,59 USD/giạ, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Mặc dù mức tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã bị xoá bỏ nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với bình thường vào thời điểm này trong năm. Giá ngô giảm 1,6% xuống còn 5,6425 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine sau khi Nga chặn các cảng chính của nước này. Trong khi một số lượng nhỏ ngũ cốc đã được định hướng lại bằng đường bộ và đường sắt, khách hàng ở Trung Đông và Bắc Phi đã buộc phải tìm kiếm nơi khác, điều này đẩy giá cả lên cao và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng.
“Thỏa thuận sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa ngũ cốc của Ukraine an toàn, với một trung tâm kiểm soát đặt tại Istanbul do các quan chức từ tất cả các bên tham gia”, Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế hàng hóa chính tại StoneX cho biết.
Theo JPMorgan Chase, thoả thuận đã “không đạt” kỳ vọng là mở tất cả các cảng Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là cảng ngũ cốc quan trọng của Mykolaiv không được bao gồm trong khi xung đột đang diễn ra gần đó.
Các chiến lược gia nói rằng, việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu của Ukraine có thể sẽ đòi hỏi một thỏa thuận hòa bình để vận chuyển ngũ cốc và hạt có dầu từ nông trại đến cảng.
“Với khoảng 10 triệu tấn lúa mì và 5 triệu tấn ngô xuất khẩu từ thoả thuận này, cùng rủi ro thời tiết nghiêm trọng sắp tới, thị trường ngũ cốc toàn cầu dường như đang ở tình trạng chưa cân bằng".
Walter Kunisch, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Hilltop Securities cho biết, giữa nguồn cung từ xuất khẩu của EU và Biển Đen so với nhu cầu từ Trung Đông và Bắc Phi, vẫn còn khoảng cách hơn 25 triệu tấn. Ukraine có thể xuất khẩu nhiều trong vòng 3 đến 6 tháng tới, điều này sẽ phụ thuộc vào số lượng hàng hóa được giữ tại các cảng, chất lượng hàng tồn kho và các vấn đề khác như bảo hiểm.
Trong khi đó, giá đường thô đã kéo dài đà giảm trong tuần lên 7,1%, mức trượt giá lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 4/2020. Sự suy yếu gần đây của đồng tiền Brazil, nhà cung cấp hàng đầu, đã thúc đẩy người trồng bán khi thu hoạch tăng mạnh.
Giá xăng tương lai cũng giảm kể từ khi đạt kỷ lục vào tháng 6. Việc giảm giá xăng khiến ethanol làm từ mía kém hấp dẫn hơn, làm xói mòn nhu cầu về nhiên liệu thay thế ở Brazil và thúc đẩy các nhà máy sản xuất nhiều đường hơn. Brazil cũng đã giảm giá xăng dầu trong tuần này và có nhiều đồn đoán rằng Tập đoàn năng lượng Petroleo Brasileiro SA có thể sớm có động thái tương tự để kiềm chế lạm phát gia tăng.