Thỏa thuận trần nợ tạo thêm một thách thức mới cho nền kinh tế Mỹ

Thỏa thuận trần nợ tạo thêm một thách thức mới cho nền kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới hạn chi tiêu của chính phủ trong thỏa thuận nhằm tăng trần nợ liên bang đã tạo thêm một thách thức mới cho nền kinh tế Mỹ vốn đã chịu ảnh hưởng bởi lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ và giảm khả năng tiếp cận tín dụng.

Thỏa thuận dự kiến do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy soạn thảo vào cuối tuần qua nếu được Quốc hội thông qua trong những ngày tới sẽ giúp nước Mỹ tránh được trường hợp xấu nhất là vỡ nợ gây ra sự sụp đổ tài chính. Nhưng mặt khác nó cũng có thể làm tăng thêm nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chi tiêu liên bang trong những quý gần đây đã giúp hỗ trợ tăng trưởng của Mỹ trước những thách thức, nhưng thỏa thuận trần nợ ít nhất có thể sẽ làm giảm động lực đó. Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy, các nhà kinh tế đã tính toán khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới là 65%, vào thời điểm hai tuần trước thỏa thuận trần nợ được đưa ra.

Đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), giới hạn chi tiêu là một yếu tố mới cần cân nhắc khi họ cập nhật các dự đoán về tăng trưởng và lãi suất tiếp theo sẽ được công bố vào ngày 14/6.

Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG cho biết: “Điều này sẽ khiến chính sách tài khóa trở nên hạn chế hơn một chút, đồng thời với chính sách tiền tệ hạn chế và có khả năng sẽ thắt chặt hơn nữa. Chúng tôi có cả hai chính sách đi ngược lại và khuếch đại lẫn nhau”.

Các giới hạn chi tiêu dự kiến sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm tài chính từ ngày 1/10, mặc dù có thể những tác động nhỏ sẽ xuất hiện trước thời điểm đó, chẳng hạn như thông qua việc thu hồi các gói hỗ trợ trong giai đoạn Covid hoặc tác động của việc loại bỏ dần khả năng trả chậm đối với khoản nợ của sinh viên. Tuy nhiên, những thứ đó sẽ khó có thể thể hiện trong GDP.

Tobin Marcus, chiến lược gia chính trị và chính sách cấp cao của Mỹ tại Evercore ISI khuyến nghị rằng, điều quan trọng là phải đánh giá mức độ giới hạn chi tiêu là “mánh khoé quảng cáo thuần túy” khi các nhà đàm phán tìm cách thu hẹp sự khác biệt thông qua các thao tác kế toán.

Mặc dù vậy, với chi tiêu cho năm tài chính sắp tới dự kiến sẽ được giữ ở mức như năm 2023, những hạn chế mà thỏa thuận áp đặt sẽ phát huy tác dụng vào thời điểm nền kinh tế có thể đang suy thoái. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát trước đây đã dự đoán tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,5% trong cả quý III và quý IV/2023.

Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại JPMorgan Chase cho biết: “Các số nhân tài khóa có xu hướng cao hơn trong thời kỳ suy thoái, vì vậy nếu chúng ta bước vào thời kỳ suy thoái, thì việc giảm chi tiêu tài khóa có thể có tác động lớn hơn đến GDP và việc làm”.

Trong phạm vi nền kinh tế chậm lại, chính sách tài khóa có thể hoạt động song song với chính sách tiền tệ để dập tắt lạm phát, vốn vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.

Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Cresset Capital Management cho biết: “Đây là một bước phát triển quan trọng vì đã hơn một thập kỷ kể từ khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài chính đi theo cùng một hướng. Có lẽ hạn chế tài chính sẽ là một yếu tố khác gây áp lực lên lạm phát”.

Bất chấp việc Fed tăng lãi suất 5% kể từ tháng 3/2022, chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980, nền kinh tế Mỹ cho đến nay vẫn tỏ ra kiên cường.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 3,4% và là mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ nhờ nhu cầu cao tuyển dụng lao động vẫn ở mức cao. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có khoản tiết kiệm dư thừa để sử dụng từ đại dịch.

Các quan chức Fed sẽ có nhiều cân nhắc vì ngoài tác động của thỏa thuận đối với triển vọng kinh tế, vẫn sẽ có một số tác động đối với thị trường tiền tệ và thanh khoản.

Bộ Tài chính đã sử dụng hết số dư tiền mặt để thanh toán kể từ khi đạt giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1 và một khi mức trần này bị đình chỉ theo luật sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phát hành tín phiếu kho bạc để xây dựng lại kho dự trữ đó nhiều hơn mức độ bình thường.

Làn sóng tín phiếu kho bạc mới phát hành đó sẽ làm cạn kiệt thanh khoản khỏi hệ thống tài chính, mặc dù tác động chính xác của nó có thể khó đánh giá. Các quan Bộ Tài chính cũng có thể sắp xếp đợt phát hành để giảm thiểu sự gián đoạn cho thị trường.

Với việc Fed tự loại bỏ thanh khoản thông qua việc loại bỏ danh mục đầu tư trái phiếu lên tới 95 tỷ USD mỗi tháng, đó là một động lực mà các nhà kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ trong những tuần và tháng tới.

Về lâu dài, phạm vi hạn chế tài chính mà các quan chức đã tạo ra gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất ít đến quỹ đạo của nợ liên bang.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cho biết, Mỹ sẽ cần thắt chặt ngân sách khoảng 5% GDP “để đưa nợ công đi xuống một cách dứt khoát vào cuối thập kỷ này”.

Tin bài liên quan