Với bước tiến này, dường như Iran đang tiến rất gần tới việc dần được gỡ bỏ các lệnh cấm vận tài chính mà họ đang bị áp đặt bởi chương trình hạt nhân của mình. Điều này sẽ có tác động rất lớn không chỉ đối với kinh tế Iran mà còn với nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Iran
Rõ ràng, Iran chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất nếu các lệnh cấm vận kinh tế được gỡ bỏ. Garbis Iradian, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho rằng, nền kinh tế trị giá 388 tỷ USD hiện tại của Iran có thể tăng trưởng thêm 6% vào đầu năm 2016, khi các lệnh cấm vận bắt đầu được nới lỏng.
Giá dầu
Iran là quốc gia có kho dầu dự trữ lớn thứ 4 trên thế giới. Nếu các lệnh cấm được gỡ bỏ, quốc gia này có thể nâng sản lưởng lên 800.000 thùng/ngày ngay đầu năm 2016. Sản lượng này chiếm khoảng 1% lượng dầu cung cấp ra thị trường mỗi ngày, nên sẽ không có tác động mạnh tới thị trường vốn đang dư thừa nguồn cung hiện tại, theo báo cáo mới được công bố của A.T.Kearney. Hãng này cũng thực hiện một nghiên cứu cho rằng, giá dầu thô Brent loại tiêu chuẩn trong năm 2016 sẽ nằm trong vùng từ 45 USD/thùng tới 65 USD/thùng.
Mỹ
Ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân của Iran chính thức có hiệu lực, các lệnh cấm vận vẫn ngăn hầu hết các công ty Mỹ hợp tác kinh doanh với Iran. Chính bởi vậy, thỏa thuận này ít có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2016, ngoại trừ một lĩnh vực duy nhất: công nghiệp hàng không. Thỏa thuận giữa nhóm P5+1 với Iran cho phép các công ty Mỹ bán ra một số máy bay thương mại dân dụng, khi Iran cần phải đầu tư ít nhất 20 tỷ USD để nâng cấp đội bay của quốc gia này. Độ tuổi máy bay trung bình tại hãng hàng không Iran là 27 năm, so với chỉ 6,2 năm của hãng Emirates, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Châu Âu
Đối với châu Âu, việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế đang áp đặt lên Iran đồng nghĩa với việc, hoạt động thương mại giữa 2 bên có thể quay về trạng thái trước khi có các lệnh cấm vận. Iran đã từng là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu với mối liên kết kinh tế trị giá trung bình 32 tỷ USD mỗi năm. Thương mại giữa châu Âu và Iran đã giảm xuống còn khoảng 9 tỷ USD khi các lệnh cấm vận bắt đầu được thắt chặt vào năm 2012, theo số liệu của Bloomberg.
Khi các nhà xuất khẩu châu Âu ngừng hoạt động cung cấp máy móc, thiết bị công nghiệp cho Iran, Trung Quốc đã nhanh chóng thế chân. Tính tới năm 2013, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran, với khối lượng giao dịch vào khoảng 41 tỷ USD mỗi năm.
Một số doanh nhân hàng đầu châu Âu đã bắt đầu thực hiện kế hoạch chuẩn bị quay trở lại thị trường Iran, ngay trước khi thỏa thuận hạt nhân được thực hiện, nhằm tìm kiếm nguồn dầu mỏ giá rẻ và một thị trường mới để đầu tư.
Trong số các quốc gia châu Âu có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran, Italy giữ vị trí là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Iran, trong khi Đức là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu sang quốc gia này, theo số liệu từ Cục Thống kê của Cộng đồng châu Âu (Eurostat).