Cổ phiếu Habeco liên tục tăng trần kể từ khi chào sàn (28/10/2016), hiện vượt trên 72.000 đồng/cổ phiếu

Cổ phiếu Habeco liên tục tăng trần kể từ khi chào sàn (28/10/2016), hiện vượt trên 72.000 đồng/cổ phiếu

Thỏa thuận Habeco - Carlsberg: Phải làm theo quy định của pháp luật

(ĐTCK) Liên quan đến câu chuyện dư luận đang đặc biệt quan tâm về thương vụ bán vốn Nhà nước tại Habeco, quyền mua của Carlsberg được xử lý như thế nào, Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương. 

Quan điểm của Bộ về đề nghị được trao đổi việc mua cổ phần tại Carlsberg ra sao, thưa ông?

Bộ đang đàm phán, thứ Hai ngày 31/10 bắt đầu đàm phán với Carlsberg. Bộ đã giao Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại hợp đồng để có cơ sở đàm phán vấn đề đó. Chúng tôi sẽ phải xem lại từng điều khoản của hợp đồng.

Thỏa thuận Habeco - Carlsberg: Phải làm theo quy định của pháp luật ảnh 1

Ông Phan Chí Dũng 

Carlsberg nói họ có quyền ưu tiên mua. Vậy cần hiểu quyền này thế nào?

Luật pháp Việt Nam không có chỉ định thầu và ưu tiên cho ai. Chúng ta phải đàm phán xong với họ thì mới nói được. Hiện còn chờ các bên đàm phán với nhau đã. Cũng cần phải xem xét các cam kết trong góc độ pháp lý hiện nay.

Ngoài Carslberg có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Habeco không, thưa ông?

Có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặt vấn đề chính thức thì chưa, nhưng hỏi thì nhiều, tôi nghĩ khi nào phương án thoái vốn được công bố thì các nhà đầu tư mới đăng ký chính thức.

Vậy có thể hiểu, Bộ Công thương ở thế chủ động trong thoái vốn Habeco, thưa ông?

Tất cả phải làm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hợp đồng trái luật thì phải đàm phán lại, không đàm phán được thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Nhưng về mặt lý thuyết, muốn hợp đồng vô hiệu, hai bên phải ra tòa.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, trong trường hợp tổ chức bán đấu giá công khai, bán không hết thì Carlsberg mới được quyền mua ưu tiên. Tuy nhiên, làm gì có chuyện cổ phần Habeco ế. Nếu bán thỏa thuận cho họ thì căn cứ nào để chứng minh là bán được hết giá, không thể bán được giá cao hơn? Đó là những vấn đề phải suy nghĩ.

Còn các quy định liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải hạn chế nhà đầu tư nước ngoài nữa. Thực tế, Habeco có cả lĩnh vực kinh doanh rượu chứ không chỉ có bia, bia không có hạn chế, nhưng rượu thì có.

Ngày 28/10/2016, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (MCK: BHN) đã chính thức đưa 231,8 triệu cổ phiếu BHN lên giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). BHN là cổ phiếu thứ  97 lên đăng ký giao dịch tại HNX trong năm 2016, nâng tổng giá trị đăng ký giao dịch trên HNX lên hơn 89 nghìn tỷ đồng.

Ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch HĐQT Habeco chia sẻ việc Habeco chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM sẽ làm sinh động thêm thị trường chứng khoán cả nước và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đầu tư vào Habeco và các công ty con, công ty liên kết của Habeco, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng GDP của đất nước. Ông cũng đánh giá lên sàn là động lực để Habeco không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của Tổng công ty.

Thương hiệu Habeco một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong ngành sản xuất đồ uống có cồn, nổi tiếng với nhãn hiệu Bia Hà Nội, Bia Trúc Bạch, cùng nhiều dòng sản phẩm khác như Premium, Lager Beer...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Habeco gồm sản xuất bia và mạch nha ủ men bia; bán buôn, bán lẻ đồ uống; bán buôn tổng hợp…. Habeco có 17 công ty con và 9 công ty liên kết, nằm rải rác khắp các tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung. Hiện nay, tổng công suất toàn hệ thống đạt trên 800 triệu lít bia và luôn nằm trong Top 3 doanh nghiệp sản xuất bia có thị phần lớn nhất cả nước.

Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 831,7 tỷ đồng, năm 2015 đạt 887,1 tỷ đồng. Năm 2016, Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 848,5 tỷ đồng và trả cổ tức 15%.

Tin bài liên quan