Thỏa thuận đình chiến Mỹ - Trung: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

Thỏa thuận đình chiến Mỹ - Trung: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

(ĐTCK) Sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có khoảng thời gian đình chiến đầu tiên. Trong bối cảnh này, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Ngay sau thông tin đình chiến, chỉ số Hang Seng đã tăng 2,55% với khối lượng giao dịch ở mức cao nhất 52 tuần qua. Cả 2 sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến chứng kiến khối lượng giao dịch tăng vọt. Chỉ số Shanghai Composite đang nằm ngay dưới mức đỉnh 2.650 điểm và được dự báo có khả năng lập đỉnh mới. Bên cạnh đó, 3.575 mã cổ phiếu leo dốc, trong khi chỉ có 45 mã giảm giá.

 Diễn biến chỉ số Shanghai Composite.

Thỏa thuận mà lãnh đạo 2 quốc gia đạt được trong cuộc gặp gỡ vừa qua là việc cả 2 quốc gia sẽ có khoảng thời gian trì hoãn 90 ngày để tiến hành thảo luận các vấn đề còn bất đồng. Mỹ sẽ tạm ngừng việc nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%, dù lịch trình dự kiến trước đó là vào tháng 1/2019.

Đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và cân nhắc các hàng rào thuế hiện tại. Phái đoàn từ Đại lục dự kiến sẽ tới thăm và làm việc tại Washington vào cuối tháng 12 này.

Thông tin về việc đình chiến tạm thời khiến giới đầu tư bớt bất an với mối lo ngại về tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn giữ góc nhìn thận trọng và cho rằng, các thành viên thị trường cần tự ghi nhớ, “thỏa thuận” trên sẽ sớm hết hạn vào tháng 3/2018.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sắp tới, cả 2 bên sẽ phải cố gắng đạt được những mục tiêu vốn không thể thực hiện được trong nhiều năm qua, chưa kể không bên nào thể hiện rõ ràng thiện chí sẽ “nhân nhượng” đòi hỏi của mình.

Trong 12 năm qua, chính quyền Mỹ đã có một danh sách khá dài những điều muốn Bắc Kinh tiến hành, bao gồm cả việc mở cửa thị trường với các hãng dịch vụ tài chính Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả các công ty như Visa và Mastercard đều chưa có sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thực tế, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết mở cửa thị trường tài chính cho các công ty nước ngoài từ lâu, nhưng cho đến nay, lời hứa vẫn chưa thành hiện thực. Các doanh nghiệp ngoại muốn hiện diện tại Đại lục thường phải hợp tác với một ngân hàng có vốn nhà nước.

Chẳng hạn, Schroders of London đang là đối tác chiến lược của Bank of Communications, một trong năm nhà băng có vốn nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Gần đây, Allianz được phép thành lập công ty bảo hiểm, trong khi UBS chuẩn bị tiến hành hoạt động môi giới chứng khoán tại Trung Quốc và tất cả đều phải chọn một đối tác địa phương để tiến hành.

Bên cạnh đó, Washington cũng không ít lần bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, chính quyền Mỹ cho rằng, các yêu cầu của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với đối tác tại Đại lục là hành động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tạo rủi ro mất đi lợi thế này tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, rõ ràng rằng ngay cả khi cuộc chiến tranh thương mại đã bắt đầu, Trung Quốc vẫn không mảy may quan tâm tới vấn đề này.

Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ tỏ ra tự tin trong cuộc đàm phán sắp tới, bởi nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế vững vàng hơn. Thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại.

Chỉ số PMI các nhà sản xuất Trung Quốc trong tháng 11 ở mức 50,2 điểm, so với 50,1 điểm trong tháng 10. Con số trên 50 được xem là tích cực nhưng sản lượng sản xuất đầu ra lại đang đi xuống trong vài tháng qua. Chưa kể, thị trường tài chính Đại lục đang liên tiếp bộc lộ các rủi ro về phá sản, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao và các khối nợ khổng lồ…