Nghi ngờ về thỏa thuận cuối cùng
Thông tin hạ sản lượng lên tới 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6/2020 được công bố khi nhóm OPEC+ có cuộc họp trực tuyến nhanh trong hơn 8 giờ, thiết lập lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà trước đó cả Ả Rập Xê út và Nga đều đồng thuận, trước khi chia rẽ khiến giá dầu lao dốc gần 30% chỉ trong 1 ngày.
Ngay sau thông tin này, giá dầu tương lai tại New York giảm thêm 9% và tại London giảm 4%.
Ðiều này cho thấy, việc cắt giảm sản lượng dường như không thể tạm thời ngăn lại đà xuống dốc của giá dầu, mà một trong những nguyên nhân là do các thành viên thị trường vẫn còn hoài nghi.
Trước đó, OPEC+ đã một lần thất bại trong việc lùi thời hạn hạ sản lượng vào đầu tháng 3, đẩy giá dầu vào cuộc khủng hoảng chóng vánh.
Lần này, Ả Rập Xê út và Nga đều đồng thuận với việc hạ sản lượng một cách quyết liệt hơn, nhưng chỉ vài tiếng sau khi thông báo được đưa ra, Mexico cho biết, quốc gia này từ chối tham gia thỏa thuận của OPEC+.
Bên cạnh đó, các thành viên thị trường còn quan tâm tới việc liệu Mỹ có tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không, khi cả Ả Rập Xê út và Nga đều xem đây là một điều kiện cần để áp dụng các chính sách sản lượng mới.
Tại Mỹ, các tập đoàn năng lượng lớn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, họ phản đối các chỉ tiêu về sản lượng, bởi điều này đi ngược lại với quy luật cạnh tranh.
Mới đây, CEO Darren Woods của Exxon Mobil khẳng định, Exxon phản đối mọi biện pháp giới hạn sản lượng, bởi một thị trường tự do “mới là cách hiệu quả nhất để cân bằng lại nguồn cung và nhu cầu”. Chevron hay Occidental Petroleum cũng đều có tiếng nói tương tự.
Nhu cầu quá thấp
Một nguyên nhân khác khiến giá dầu khó có thể quay đầu leo dốc, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới cắt giảm nguồn cung, đó là nhu cầu tiêu thụ quá thấp, với nguyên nhân chủ yếu từ dịch bệnh.
Hơn 2/3 dân số thế giới đang trong tình cảnh bị cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội… Ðiều này khiến mức độ tiêu thụ năng lượng giảm nhanh và mạnh hơn bất kỳ dự báo nào trước đó.
Tính toán của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các tài xế Mỹ đang tiêu thụ xăng và gas ở mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Nhu cầu với dầu giảm xuống 14,4 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận vào năm 1990 và giảm hơn 30% so với giai đoạn khủng hoảng 2008-2009.
Tại Ấn Ðộ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, nhu cầu năng lượng lao dốc chóng mặt bởi 70% dân số đang bị phong tỏa khỏi các hoạt động.
Mức tiêu thụ trong cả tháng qua ở dưới 50% mức trung bình năm ngoái, nhưng đó là nhờ các lệnh phong tỏa mới chỉ được áp dụng trong 3 tuần gần đây. Con số trong tháng 4 này sẽ còn thấp hơn nữa.
Doanh số bán khí đốt và dầu diesel tại Anh lần lượt giảm 66% và 57% trong tháng 3, theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ xăng dầu Anh.
Trong khi đó, Tesco Plc - nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh cho biết, doanh số bán gas giảm 70% trong tuần vừa qua, khi nước Anh tiến hành phong tỏa.
Trong bối cảnh này, động lực bền vững nhất đối với giá dầu phải tới từ chuyển biến tích cực của nhu cầu tiêu thụ năng lượng, song điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19.
Theo Rystad Energy, nhu cầu dầu mỏ có thể giảm khoảng 27 triệu thùng/ngày trong tháng 4, mức giảm chưa từng có trong lịch sử. Tăng trưởng nhu cầu duy trì ở mức âm trong cả năm 2020. Tác động của diễn biến này sẽ tồn tại lâu hơn những gì các thành viên thị trường dự tính.
Trong khi đó, Goldman Sachs nhận định, ngay cả khi OPEC+ hạ sản lượng 10 triệu thùng/ngày và thêm 4 triệu thùng/ngày từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác trên toàn cầu, lực hỗ trợ này cũng chỉ giúp giá dầu tăng trong chốc lát và trong ngắn hạn, dự báo giá dầu sẽ ở mức 20 USD/thùng.