Khái quát về Thổ trấn
Khi nói tới trấn yểm, người ta thường nghĩ đên một cái gì đó thần bí, cao siêu, hay phức tạp. Nói về trấn yểm thường có hai phần: phần thực thể và phần năng lượng, hay còn gọi là phần xác và hồn; hay cũng có thể hiểu trấn bằng tâm linh, là thuộc về Âm, hoặc trấn bằng ngũ hành có sẵn trong tự nhiên, thuộc về Dương. Không những khi trấn người ta phối kết hợp ngũ hành với nhau, mà những người thầy cao tay khi trấn bằng bất kể vật phẩm phong thủy nào đều dùng pháp tâm linh.
Để hiểu và vận hành trấn yểm trong thực tế, thì có lý giải và diễn giải cho mọi người cũng không hết nghĩa được. Do đó, để hiểu hơn, chúng ta phân tích một khía cạnh nhỏ liên quan đến trấn bằng Thổ theo phong thủy.
Theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, phong thủy có ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và bất kỳ ngũ hành nào cũng là một yếu tố để trấn yểm.
Chúng ta thường thấy ở khu vực nông thôn, ao hồ và nhà cửa thường nằm xen kẽ với nhau. Có trường hợp trước nhà có ao, hoặc sau nhà có ao, cũng có khi là bên trái hoặc bên phải nhà có ao. Những cái ao này ảnh hưởng lớn tới phong thủy của nhà ở. Tuy nhiên, nếu ở giữa nhà mình và ao, có một nhà khác chặn ở giữa, thì lúc này, cái ao không ảnh hưởng trực tiếp phong thủy đến nhà mình nữa. Bởi trong phong thủy, nhà này là núi hay gòn gọi là Sơn của nhà kia, xây một ngôi nhà chèn ở giữa ao và nhà mình thì được gọi là Thổ trấn. Bởi vật liệu hình thành nên ngôi nhà là từ gạch, ngói, xi măng… đều từ Thổ.
Như vậy, muốn hóa giải thế nhà có ao không được vượng, thì người ta có thể xây một ngôi nhà khác để trấn ở giữa. Không cần một công trình to lớn hay cao siêu, mà có khi chỉ là cái bếp, cái nhà để xe, công trình phụ để chăn nuôi, cũng có ý nghĩa như một ngôi nhà. Hay đơn giản là tường rào có mái che.
Hiện nay, rất nhiều người lấy Thổ để trấn và kết hợp để làm trang trí cảnh quan, thường sẽ mua đá hoặc non bộ, hoặc đắp tiểu cảnh. Tuy nhiên, có lưu ý là khi mua những hòn đá thì phải tìm hiểu và với những hòn đá lớn, thì nên hỏi thầy tâm linh, bởi đá khai thác từ núi có nhiều trường hợp là đá linh, có thần giữ và cai quản, hoặc đá thành tinh. Do đó, cần hỏi các thầy, chứ không mua về lại thành rước họa về nhà.
Ngoại trấn và nội trấn liên quan đến Thổ
Trường hợp ngoại trấn, nội trấn cũng có sự khác nhau. Nếu là bên ngoài, có thể dùng các hòn đá to, trong nhà thì có thể dùng tiểu cảnh đá nhỏ, thậm chí là những viên đá quý, tạo thành các quả cầu, các con linh vật.
Với nhà ở không nên dùng những con linh vật thường được bày trấn ở đình, chùa, miếu, đền. Bởi nhà ở chỉ là đơn vị ở cấp nhỏ nhất, nếu dùng những linh vật ở cấp độ cao để trấn yểm tại nhà sẽ lợi bất cập hại, vì chúng ta thường nghe câu “quý vật tìm quý nhân” và linh vật phải ở nơi linh thiêng. Cũng lưu ý, không nên dùng các linh vật ngoại quốc để bày hay trấn tại nhà. Bởi quốc gia nào thì có luật của quốc gia đó, có truyền thống văn hóa của quốc gia đó. Chẳng hạn, dùng con sư tử đá để trước cửa là không hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam, vì đây là con vật phong thủy của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, văn hóa giao thoa giữa các nước cũng truyền bá nhiều hơn vào Việt Nam, nên có nhiều người theo văn hóa, tín ngưỡng, nhiều chiều khác nhau. Tuy nhiên, dù có theo ở đâu đi chăng nữa, thì văn hóa và truyền thống quốc gia bản địa vẫn cứ phải trân trọng và phải đặt lên hàng đầu, rồi tiếp đó, xem xét sự phù hợp và phối kết hợp cho đúng theo đạo lý và tâm linh.
Theo chuyên gia Hoàng Trà, trong thực tế, người Việt Nam muốn liên doanh hay liên kết với các tổ chức, hay cá nhân người nước ngoài làm gì ở trong nước, cũng phải tuân theo luật pháp Việt Nam và khi nó phù hợp thì có thể phát triển, chứ không thể nào đi ngược với luật Việt Nam được.
Thổ trấn thế nào?
Khi dùng đá, trong phong thủy chắc chắn thuộc về Thổ trấn. Tuy nhiên, người ta vẫn phải xét đến ngũ hành theo phương vị đặt. Cụ thể, Bắc: Thủy; Đông Bắc - Tây Nam: Thổ; Đông - Đông Nam: Mộc; Nam: Hỏa; Tây - Tây Bắc: Kim.
Ngoài ra, người ta còn phải xem ngũ hành bản mệnh của từng người hợp theo màu sắc của loại đá. Hơn nữa, màu sắc của đá dùng trong Thổ trấn cũng được phân theo ngũ hành, chẳng hạn như Thạch Anh màu trắng hợp với ngũ hành Kim và Thủy, Thạch Anh màu xanh (tóc xanh) hợp với ngũ hành Mộc và Hỏa, Thạch Anh vàng hợp với ngũ hành Thổ và Kim, Thạch Anh có màu hồng - tím - dâu tây phù hợp với ngũ hành Hỏa và Thổ, Thạch Anh màu đen phù hợp với ngũ hành Thủy và Mộc.
Nói về trấn bằng Thổ, đối với những khu đất lớn, người ta cũng có thể đắp thành một quả đồi trong khuôn viên, đó cũng là Thổ trấn. Với non bộ, hay đồi, thường người ta có thể kết hợp mộc trấn là trồng các loại cây khác nhau để thêm sức sống, thêm phần sinh khí khi có sự sống. Về bản chất, nó sẽ tăng sức mạnh thêm của việc trấn, bởi nó không chỉ là Thổ trấn, mà còn cả Mộc trấn.
Ngoài ra, với các hòn non bộ, người ta cũng có thể kết hợp với bể cảnh, bể cá, đài phun nước, tức bao gồm cả Thổ trấn, Thủy trấn. Bên cạnh đó, khi trấn bằng Thổ, người ta cũng có thể đặt thêm kim loại bằng các hình thức và vật phẩm khác nhau, gọi là kết hợp Thổ trấn và Kim trấn.
Thông thường, với các khu nhà đất rộng như trụ sở văn phòng, nhà máy, việc sắp đặt trấn ở các phương vị khác nhau bằng các hình thức khác nhau không phải là đơn giản, không phải thích đặt cái gì ở đâu là đặt. Bởi sự sắp đặt không đúng phương vị, không đúng bản mệnh ngũ hành sẽ ảnh hưởng lớn tới sự bình ổn của công trình. Trước đây, có nhiều doanh nghiệp làm ăn không tốt, cũng nhờ thầy trấn cho hòn non bộ ở phía trước nên rất thuận, có những người cũng học theo thì lại trở thành lụi bại.
Việc trấn phong thủy cho một ngôi nhà cũng giống như một người uống thêm thuốc bổ hay thuốc chữa bệnh, không phải cùng một người mà bệnh nào cũng uống một loại thuốc, tùy bệnh khác nhau, đơn thuốc cũng khác nhau. Thậm chí, kể cả cùng một loại bệnh, nhưng mỗi người lại uống thuốc nhiều ít khác nhau. Vì vậy, việc trấn phong thủy phải có thầy giỏi và có tâm, chứ nhiều khi trấn thì dễ nhưng giải thì khó. Không trấn thì không sao, trấn rồi lại gặp rắc rối. Do đó, mọi người cũng nên cập nhật kiến thức và tìm hiểu thầy phong thủy rất rõ, rồi mới làm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com