Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giới đầu tư giao dịch đầy thận trọng

Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giới đầu tư giao dịch đầy thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall biến động nhẹ trong phiên ngày thứ Tư (16/2), khi giới đầu tư thận trọng đánh giá biên bản cuộc họp gần nhất của Fed được công bố và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine.

Biên bản cuộc họp tháng 1 vừa qua của Fed cho thấy, cơ quan này đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc nâng lãi suất và sớm cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán.

Trong khi đó, tình hình ở biên giới Ukraine vẫn rất đáng quan ngại, kể cả sau khi Nga tuyên bố rút một phần binh lính nhằm tránh leo thang với phương Tây.

Tuy nhiên, NATO ngày thứ Tư lại cáo buộc Nga tăng quân ở biên giới với Ukraine. Trong khi các lãnh đạo Mỹ và Đức cho biết, Nga cần có những động thái giảm leo thang thực sự, đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào của nước này nhằm vào Ukraine sẽ dẫn tới "hậu quả nghiêm trọng đặc biệt".

Trở lại với diễn biến thị trường, phiên này 8 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500 đều tăng điểm, với cổ phiếu năng lượng, công nghệ và dịch vụ truyền thông là nhóm tăng tốt nhất.

Một số mã đáng chú ý như, Airbnb tăng 3,6% sau dự báo doanh thu quý đầu tiên của năm 2022 tốt hơn dự kiến, nhờ nhu cầu đi lại phục hồi mạnh mẽ.

Cổ phiếu Devon Energy Corp tăng 4,7% sau khi nhà sản xuất dầu này báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 cao hơn mức ước tính của Phố Wall.

Trong khi đó, ViacomCBS là mã giảm mạnh nhất, khi mất hơn 17% sau khi cho biết đang đổi thương hiệu thành Paramount Global để tập trung vào lĩnh vực phát trực tuyến. Công ty cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua thấp hơn kỳ vọng.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số Dow Jones giảm 54,57 điểm (-0,16%), xuống 34.934,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,94 điểm (+0,09%), lên 4.475,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 15,66 điểm (-0,11%), xuống 14.124,10 điểm.

Các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu đảo chiều giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá tình hình địa chính trị sau khi Nga tuyên bố rút một phần lực lượng quân đội khỏi biên giới gần Ukraine.

Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết phiên tăng nhẹ 0,05% lên 467,80 điểm, với cổ phiếu dầu khí dẫn đầu đà tăng khi nhích 1,5%, trong khi cổ phiếu viễn thông giảm 1,2%.

Giá năng lượng ở châu Âu có thể tăng nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba cho biết, các đòn trừng phạt sẽ bao gồm việc giảm tiêu thụ khí đốt của Nga ở châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư phát biểu, Anh sẽ nhắm đòn trừng phạt vào các ngân hàng và công ty của Nga nếu nước này gia tăng áp lực quân sự hơn đối với Ukraine.

Đáp trả, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẽ trả đũa nếu Anh áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh vẫn là động lực chính của thị trường cổ phiếu châu Âu với những cái tên hoạt động tốt nhất trong phiên hôm nay, như Swiss Match đã tăng 3,8% sau khi công bố mức tăng trưởng hai con số về cả doanh thu và lợi nhuận.

Cổ phiếu của Umicore tăng 5% sau khi công ty tái chế kim loại và hóa chất của Bỉ công bố lợi nhuận tăng vọt 81% cho năm 2021 và dự báo lạc quan cho năm 2022.

Trái lại, cổ phiếu của Ericsson đã bất ngờ giảm mạnh 14,4%, sau khi thông báo một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện những vi phạm nghiêm trọng về tuân thủ trong hoạt động kinh doanh của hãng ở Iraq.

Kết thúc phiên 16/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 5,14 điểm (-0,07%) xuống 7.603,78 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 42,41 điểm (-0,28%), xuống 15.370,30 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 14,99 điểm (-0,21%), xuống 6.964,98 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, sau khi các dấu hiệu giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến Phố Wall tăng mạnh đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, khi dữ liệu lạm phát mới làm tăng hy vọng chính phủ có thể nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông tăng theo chân các thị trường lớn khác, khi lo ngại giảm bớt xung quanh biên giới Ukraine.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng có phiên tăng mạnh, khi những dấu hiệu giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã nâng đỡ thị trường.

Kết thúc phiên 16/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 595,21 điểm (+2,22%), lên 27.460,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,74 điểm (+0,57%), lên 3.465,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 363,19 điểm (+1,49%), lên 24.718,90 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 53,14 điểm (+1,99%), lên 2.729,68 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư bật tăng mạnh mẽ, sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy khả năng sớm tăng lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng.

Ngoài ra, Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng, khi Mỹ cho biết rằng Nga tiếp tục điều thêm quân tới biên giới Ukraine.

Lạm phát và xung đột chính trị luôn là môi trường thúc đẩy tính trú ẩn của vàng, điều này khiến phiên tăng đêm qua của vàng không quá bất ngờ.

Kết thúc phiên 16/2, giá vàng giao ngay tăng 15,8 USD lên 1.869,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm chưa đến 1 USD xuống 1.870,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng hơn 1%, khi các nhà đầu tư cân nhắc các tuyên bố mâu thuẫn về việc một số binh sĩ Nga có thể rút khỏi biên giới gần Ukraine.

Kết thúc phiên 16/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,59 USD (+1,70%), lên 93,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,53 USD (+1,61%), lên 94,81 USD/thùng.

Tin bài liên quan