Sự trung thực từ phía khách hàng là điều kiện cần thiết để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, bởi vì nhà bảo hiểm chỉ có thể bảo hiểm dựa trên lời kê khai của khách hàng về đối tượng bảo hiểm cũng như tình trạng của đối tượng đó. Chính vì vậy, các nhà làm luật tăng cường bảo vệ công ty bảo hiểm khỏi các khách hàng xấu bằng cách bổ sung tội danh “gian lận bảo hiểm” vào Bộ luật Hình sự (Ðiều 213).
Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi chính các công ty bảo hiểm thiếu trung thực?
Thực tế, một số công ty bảo hiểm đã sử dụng các thế mạnh của mình để chèn ép khách hàng, điển hình là việc “chơi chữ” - một biểu hiện của tình trạng thiếu trung thực và không ít khách hàng đã phải tìm đến tòa án để tìm sự bảo vệ của pháp luật khỏi thủ thuật “chơi chữ” này.
Chẳng hạn, trong một trận mưa lớn trước đây, một khách hàng là ngân hàng đã kiện một công ty bảo hiểm vì không được bồi thường do “sự cố bất ngờ” khi công ty giải thích rằng, mưa ngập hầm chứa xe là ngập từ từ, chứ không bất ngờ.
Gần đây nhất, một ngư dân ở Tiền Giang tham gia bảo hiểm tàu cá tại công ty bảo hiểm X.T đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan báo chí. Ông Ðỗ Hồng Trí, chủ tàu cá bị từ chối bồi thường chia sẻ: “Ý thức được rủi ro và cũng để giữ gìn sản nghiệp của gia đình nên tôi đã tham gia bảo hiểm tàu cá với phạm vi A mà tôi nghe nói là rộng nhất, bảo vệ toàn diện nhất.
Thế mà, khi tàu bị tổn thất, công ty bảo hiểm lại dựa vào lời khai của anh em bạn thuyền là tàu bị phá nước để kết luận là nguyên nhân phá nước không thuộc phạm vi bảo hiểm để không bồi thường. Bây giờ, tôi chẳng những mất tài sản, mà còn mang tiếng nợ xấu ở ngân hàng. Sau nhiều lần cố gắng giải thích và kêu gọi giải quyết, nhưng công ty bảo hiểm vẫn phớt lờ, tôi chỉ còn biết tìm đến dư luận và tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Ðán cho biết, hợp đồng bảo hiểm có một đặc tính là hợp đồng mở sẵn, người tham gia bảo hiểm không được tham gia soạn thảo hợp đồng bảo hiểm nên họ phải gánh chịu một loại rủi ro là không hiểu hết các thuật ngữ về bảo hiểm.
Thêm vào đó, họ không phải là chuyên gia bảo hiểm nên không thể hiểu hết các thuật ngữ và trình bày ý kiến của mình một các học thuật. Tình trạng này được gọi là bất cân xứng thông tin đối với người tham gia bảo hiểm. Chính vì lý do đó mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trung thực để bù đắp rủi ro này của người tham gia bảo hiểm. Ðể thể hiện sự trung thực của mình, các công ty bảo hiểm có xu hướng cố gắng giải thích từ ngữ trong hợp đồng một cách dễ hiểu và dễ hình dung nhất.
Theo ông Ðán, luật pháp các nước tiên tiến đều có các biện pháp bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro thiếu trung thực của doanh nghiệp bảo hiểm bằng các điều luật về giải thích từ ngữ có lợi cho bên yếu thế là khách hàng.
“Ðối với việc chơi chữ với cụm từ “phá nước” trong trường hợp chủ tàu cá ở Tiền Giang, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy cụm từ này trong các đơn bảo hiểm, vì đơn giản đó là từ dân gian. Nếu công ty bảo hiểm kết luận từ chối trả tiền bảo hiểm dựa trên lời khai rằng tàu bị phá nước và rủi ro phá nước không thuộc phạm vi bảo hiểm là thiếu tính thuyết phục, làm cho mọi người có cảm giác là công ty cố tình né tránh trách nhiệm bồi thường. Tương tự như vậy, giả sử các công ty bảo hiểm nhân thọ hành xử giống công ty bảo hiểm X.T nêu trên thì chắc họ đã từ chối trả tiền cho hàng nghìn ca đột tử có lời khai của gia đình với nguyên nhân tử vong là trúng gió”, ông Ðán nói.
Nên xử phạt thật nặng các trường hợp không trung thực từ phía doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Ðán cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam hiện nay đều hành xử trung thực, chỉ có một số ít trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của các khách hàng tại một thị trường bảo hiểm còn non trẻ như Việt Nam thì chỉ một số ít trường hợp không trung thực từ phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng là một lực cản lớn, kiềm chế sự phát triển của thị trường cũng như quá trình xây dựng niềm tin vào bảo hiểm của người dân. Vì vậy, pháp luật nên cho phép các cơ quan tư pháp xử phạt thật nặng các trường hợp không trung thực từ phía doanh nghiệp bảo hiểm.
“Thị trường bảo hiểm các nước phát triển không ngẫu nhiên hoạt động tốt, trong lịch sử đã có nhiều khách hàng gian lận bảo hiểm bị tống giam, không ít công ty bảo hiểm thiếu trung thực bị phạt tiền rất nặng vì hành vi thiếu trung thực. Chẳng hạn, ở Mỹ từng có công ty bảo hiểm bị phạt 50 triệu USD vì hành vi thiếu trung thực trong việc từ chối bồi thường cho một vụ có giá trị 50.000 USD”, vị chuyên gia bảo hiểm cho biết.