Thiếu giải pháp mạnh, thị trường khó tiến bước

Thiếu giải pháp mạnh, thị trường khó tiến bước

(ĐTCK) Đó là góc nhìn của các chuyên gia, thành viên thị trường chứng khoán khi thị trường tài chính bậc cao này bước vào tuổi 20.

Ðiểm danh những “món nợ” phát triển TTCK

Không khó nhận ra trong năm 2019 cũng như những năm liền trước, thiếu vắng các giải pháp mang tính đột phá nhằm tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Nhiều “điểm nghẽn”, “món nợ” tồn tại suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có tín hiệu được tháo gỡ…

“Món nợ” đầu tiên là câu chuyện thu hút vốn ngoại và mở đường cho nhà đầu tư ngoại huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, tình trạng nhiều doanh nghiệp tốt cạn room sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tồn tại đã lâu, nhưng đến nay chưa thấy rõ triển vọng được tháo gỡ, kể cả khi sắp tới, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ðiều này không chỉ khiến Việt Nam thua thiệt so với các thị trường lân cận trong thu hút vốn ngoại, mà còn gây khó cho chúng ta trên bước đường nỗ lực nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi”.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, điểm sáng này đã có đóng góp nổi bật cho tăng trưởng kinh tế.

Dòng vốn này trên thực tế có mối liên hệ với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thế nhưng, ở tầm hoạch định chính sách, theo ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam lại chưa cho thấy sự hiệu quả và sắc bén trong phối hợp chính sách để gia tăng tính hấp dẫn cho thu hút vốn FDI.

Cùng với số lượng, chất lượng các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Như thông lệ quốc tế, bên cạnh các điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, còn một yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài chọn một nước nào để quyết định đầu tư, đó là tính thuận lợi trong huy động vốn trên thị trường nước sở tại.

Thế nhưng, theo lãnh đạo một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE, điều này lại chưa có ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp FDI đã gửi hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sở giao dịch chứng khoán, nhưng không được chấp thuận với lý do: đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ðiều này về lâu dài nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

“Ở các thị trường chứng khoán lớn như Hồng Kông, Singapore, Mỹ, Nhật Bản…, số lượng công ty đa quốc gia niêm yết rất nhiều, chứ không chỉ cho phép công ty nội địa lên sàn. Nếu sợ rủi ro, Việt Nam hoàn toàn chọn cách hạn chế các doanh nghiệp FDI sau khi lên sàn thì trong một khoảng thời gian nhất định chỉ được huy động vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chưa được huy động vốn của nhà đầu tư nội địa…”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên khuyến nghị.

“Món nợ” tiếp theo là câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán. Vướng mắc về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ thuận lợi cho dòng vốn ngoại ra - vào Việt Nam… chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài khiến cái đích nâng hạng còn xa.

Một bất cập nữa đã được giới đầu tư, chuyên gia không dưới một lần đề xuất là cần có cơ chế khuyến khích về thuế, phí để góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, nhất là với các sản phẩm non trẻ triển khai trong thời gian ban đầu.

Gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu, TS. Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, để thúc đẩy quỹ đầu tư bất động sản phát triển, đồng thời khích lệ quỹ hưu trí tự nguyện ra đời, cần có cơ chế ưu đãi về thuế.

Việc thiếu cơ chế này sẽ khiến cho nỗ lực gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức gặp khó khăn.

Có một thực tế là những vướng mắc trên hiện vượt quá tầm xử lý của ngành chứng khoán, thậm chí là ngành tài chính.

Bởi vậy, các chuyên gia trông đợi năm 2020, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc tháo gỡ, để tạo cú bứt tốc cho thị trường chứng khoán sau hai thập niên phát triển…

Một số “điểm nghẽn” khác cũng cần sớm có lời giải đủ mạnh và khả thi như đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường; cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày, bán chứng khoán chờ về; thành lập sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; hình thành trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp; thúc đẩy sự ra đời của công ty định mức tín nhiệm… để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Để Luật Chứng khoán có hiệu lực đúng hạn

Từ nay đến đầu năm 2021, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải hoàn tất trình Chính phủ 4 nghị định, đồng thời ban hành khoảng 10 thông tư để cụ thể hóa các nội dung mới quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi.

Theo nhìn nhận của ông Vũ Bằng, đây là khối lượng công việc đồ sộ và là bài toán nhiều thách thức, bởi trong quá trình làm luật, cái gì khó thì có thể còn đường lùi là chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Nay cơ quan quản lý bắt tay xây dựng các nghị định, thông tư thì không còn đường lùi nữa, mà tất cả phải rõ ràng, cụ thể, trong khi thời gian cho phép khá gấp gáp.

Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản này từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia…

Bày tỏ sẵn sàng tham gia góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, nhưng đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đổi mới phương pháp lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội.

Nếu lấy kiến theo kiểu hình thức thì không hiệu quả, mất thời gian, đồng thời dễ khiến cho các bên góp ý… nản.

Bởi vậy, sau khi tiếp nhận góp ý của các bên liên quan, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần minh bạch thành 3 nhóm: loại ý kiến được tiếp thu ngay; ý kiến không được tiếp thu; ý kiến có chất lượng, nhưng phải chờ thời điểm thích hợp mới được tiếp thu.

Kèm theo đó là lý do tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến đóng góp, để bên góp ý thấy được sự tôn trọng của cơ quan quản lý, tránh tình trạng như hiện nay, ý kiến nào được hay không được tiếp thu, với lý do gì hiện chưa được nhà quản lý công khai cho các bên liên quan được biết.

Ðể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trên, rất cần sự sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong đôn đốc các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành các dự thảo văn bản này, để xem xét ban hành nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật kể ngày 1/1/2021 khi Luật Chứng khoán có hiệu lực.

Trông đợi tinh thần kiến tạo và  bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư…

Thiếu giải pháp mạnh, thị trường khó tiến bước ảnh 1

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI.

Ðại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư, VAFI đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK xem xét hình thành cơ chế khuyến khích, ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư khi giao dịch các sản phẩm, nghiệp vụ mới, cũng như bảo vệ nhà đầu tư thông qua xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này không được quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi.

Chúng tôi kỳ vọng nội dung bảo vệ nhà đầu tư sẽ được quy định chi tiết tại các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán, để không chỉ cải thiện niềm tin trong nhà đầu tư, mà còn gia tăng tính cạnh tranh cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi trông đợi tinh thần kiến tạo như Chính phủ thường nhấn mạnh sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, để gia tăng dư địa phát triển cho thị trường, tránh tình trạng ban hành chính sách theo kiểu để quản, gây gò bó, cản trở sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Để thị trường chứng khoán tăng trưởng, cần triển khai nhiều giải pháp

Thiếu giải pháp mạnh, thị trường khó tiến bước ảnh 2

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam.

Ðể thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng cả về mặt thanh khoản lẫn điểm số trong năm 2020, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiến hành triển khai việc giao dịch trong ngày (T+0).

Với thông tin gói thầu công nghệ mới do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc thực hiện sắp hoàn tất, nền tảng hạ tầng công nghệ của chúng ta về cơ bản đã cho phép việc thực hiện giao dịch T+0.

Ðây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ thanh khoản cho thị trường vì sẽ giúp đẩy nhanh vòng quay cho nhà đầu tư.

Thứ hai, tăng số lượng và đồng thời cải thiện chất lượng hàng hóa thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thứ ba, nỗ lực nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE. Dữ liệu lịch sử cho thấy, mặc dù có diễn biến phức tạp về điểm số, tuy nhiên trong các năm được FTSE nâng hạng, các thị trường chứng khoán đều có diễn biến hết sức sôi động với thanh khoản tăng đột biến.

Ðối với thị trường chứng khoán Việt Nam, những rào cản kỹ thuật đã được FTSE đánh giá cụ thể, đặc biệt là điểm nghẽn về thanh toán bù trừ.

Ðây có thể là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường trong năm nay hoặc năm sau.

Và cuối cùng, cần sớm triển khai sản phẩm NVDR để giải quyết bài toán room ngoại. Việc giới hạn room ngoại đối với nhà đầu tư nước ngoài đang là rào cản lớn trong việc thu hút dòng vốn ngoại.

Bài toán nới room xem ra khá phức tạp và khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Sản phẩm NVDR được áp dụng hết sức thành công ở thị trường chứng khoán Thái Lan là mô hình khá phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan