Cỗ máy trăm, nghìn tỷ vẫn vận hành êm
Trái với nhận định của một số công ty chứng khoán cho rằng doanh nghiệp do ông Phạm Trung Cang sáng lập - Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) - sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi con gái doanh nhân này (Phạm Đỗ Diễm Hương - 24 tuổi) nắm quyền, TPC đã có một quý kinh doanh đầy ấn tượng.
Dưới thời Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Đỗ Diễm Hương, trong 9 tháng, TPC đã lãi ròng 18,1 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. TPC có lãi gộp tăng mạnh tới 68% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, TTCK đã xôn xao trước quyết định bổ nhiệm con gái 24 tuổi gánh vác trọng trách chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Nhựa Tân Đại Hưng của ông Phạm Trung Cang. Tuổi đời quá trẻ, thiếu kinh nghiệm của Hương khiến không ít nhà đầu tư và công ty chứng khoán bày tỏ sự lo ngại về triển vọng lợi nhuận của TPC, nhất là khi xuất khẩu gặp khó và nhiều doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm để giữ khách. Trong khi đó, ông Phạm Trung Cang gặp rắc rối trong vụ "bầu Kiên" và đã từ nhiệm thành viên HĐQT ngân hàng này.
"Thiếu gia" Trần Hùng Huy - con trai của người sáng lập Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng - được tín nhiệm bầu giữ tiếp vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB trong ĐHCĐ hồi tháng 4/2013 cũng phần nào cho thấy khả năng quản lý khá tốt của doanh nhân sinh năm 1978 này.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính ACB lãi khoảng 525 tỷ đồng trước thuế trong quý III/2013, so với mức lỗ 691 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý III năm nay có thể đạt 9,5% trong khi huy động vốn tăng 15%, tích cực hơn tình hình chung toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, khá nhiều "cậu ấm, cô chiêu" nhà đại gia tham gia lãnh đạo DN thu được nhiều kết quả tích cực, như trường hợp Nguyễn Ngọc Thái Bình, con trai bà Nguyễn Thị Mai Thanh với vị trí giám đốc tài chính; Đỗ Đức Chung, con trai của ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Pomina; Nguyễn Trí Tân, con trai của ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch công ty Nệm Kymdan...
Uy tín cá nhân hay cỗ máy chuyên nghiệp?
Trở lại trường hợp TPC, doanh nghiệp này đã có một quý kinh doanh đầy ấn tượng, vượt xa mong đợi của các cổ đông. Cổ phiếu TPC trong phiên giao dịch 29/10 tăng trần với rất hiếm lệnh bán ra trong bối cảnh TTCK giảm điểm.
Dưới "triều đại" của nữ doanh nhân trẻ tuổi Diễm Hương, TPC đã có một khởi đầu tốt. Kết quả này cũng làm yên lòng rất nhiều cổ đông. Và điều mà nhiều người quan tâm là cỗ máy TPC không bị phá vỡ và vẫn đang hoạt động ổn định.
Trái với sự lo lắng về ban đầu về kinh nghiệm và tuổi đời non nớt của nhà lãnh đạo mới, nay một số người đã tin tưởng và dành sự đánh giá cao cho Tân Đại Hưng - công ty có bề dày lịch sử 30 năm và hệ thống sản xuất đi vào nề nếp.
Trong trường hợp ACB cũng vậy, cho dù ngân hàng này bị ảnh hưởng khá nhiều sau vụ "bầu Kiên" với kết quả lỗ nặng vì vàng, nhưng có thể nói ông Trần Hùng Huy đã được giao quản lý một ngân hàng có hệ thống quản trị tốt.
Không thể phủ nhận vai trò điều hành của "sếp" trẻ Hùng Huy - một người được đào tạo bài bản và được trang bị kinh nghiệm quản lý ngay tại chính ngân hàng này cả chục năm trời ở nhiều cương vị khác nhau, đã có những bước đi chắc chắn giúp ACB ổn định trở lại. Cũng giống như TPC, ACB đã có nhiều quyết định cắt giảm chi phí để đảm bảo doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn.
Trên thực tế, doanh nghiệp không thể đặt vào vai bất cứ nhà quản lý nào và sự chuyển giao thế hệ quản lý cần được chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên, quan trọng là cần xây dựng nên một hệ thống quản trị thống nhất và chuyên nghiệp.
Không ít trường hợp đã gặp thất bại cho dù người được trao quyền lèo lái doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm và thành tích đáng nể. Một hệ thống quản trị chuyên nghiệp, như được biết ở rất nhiều doanh nghiệp lớn có lịch sử hoạt động hàng trăm năm trên thế giới, có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó bao gồm: lớp người kế cận không nhất thiết phải là người trong gia đình, tính minh bạch cao, cơ cấu sở hữu đa dạng. Nhưng một điều không thể phủ nhận là một hệ thống quản lý bài bản, chuyên nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.