Sau cơn bão Yagi, khu vùng nuôi của STP Group tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Ảnh: Vasep

Sau cơn bão Yagi, khu vùng nuôi của STP Group tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Ảnh: Vasep

Thiếu doanh nghiệp trong đối tượng hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh ngành nông nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
Vasep phát hiện thiếu doanh nghiệp - "đối tượng quan trọng nhất" cần hỗ trợ, trong Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật.

Không thể thiếu doanh nghiệp trong đối tượng được hỗ trợ

Đón nhận Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật ngay khi thiệt hại do cơn bão Yagi và mưa lũ sau bão chưa thống kê hết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lo lắng vì phát hiện doanh nghiệp không nằm trong đối tượng được hỗ trợ.

Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 11/9/2024, Vasep đã để lên hàng đầu đề xuất bổ sung doanh nghiệp vào đối tượng hỗ trợ.

“Dự thảo đang thiếu đi đối tượng quan trọng nhất”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP giải thích với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn.

Theo Dự thảo Nghị định, đối tượng hỗ trợ là “cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra”.

Có nghĩa là không có doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên trong đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định này.

Vì vậy, giải trình rất chi tiết trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vasep nhấn mạnh, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đó không chỉ là một hình thái cơ bản của “kinh tế nông nghiệp” đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là hiện trạng của thực tiễn theo chủ trương của Nhà nước và các văn bản pháp lý hiện hành.

Hiệp hội cũng khẳng định lại, theo quy định pháp luật, thì các chủ thể kinh tế là bình đẳng trước pháp luật. Doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng - chất lượng và giá trị của sản phẩm nông - thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. “Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông-thủy sản nói chung thì “doanh nghiệp” hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ”, Vasep kiến nghị.

Thực tiễn, nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn Covid-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau Bão, thì “doanh nghiệp” luôn là chủ thể bên cạnh “người dân” trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chỉ đạo rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh; Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật…

Thời gian hỗ trợ lên tới 70 ngày hoặc dài hơn là quá dài

Liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị định, Vasep kiến nghị sửa đổi cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại, nhằm rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, tăng hiệu quả, tính kịp thời và ý nghĩa của chính sách.

Cụ thể, đề xuất bổ sung quy định thời hạn cụ thể từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế thay vì chỉ quy định thủ tục đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Theo Vasep, việc không quy định rõ thời hạn có thể dẫn đến tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ cho đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn.

Hơn thế, theo trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại, tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn trên tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn. Điều này chưa phù hợp với mục đích của việc hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

Vì vậy, Vasep kiến nghị cho phép UBND cấp xã được quyền chủ trì tập hợp thống kê, thẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Hơn thế, Vasep cũng đang lo ngại nếu yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp, tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và có thể mất nhiều cơ hội “khôi phục” cho cơ sở. Vì thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc.

Hiện Điều 6 của Dự thảo quy định về trình tự thủ tục hỗ trợ thiệt hại, gồm các bước sau: Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ cho UBND cấp xã. UBND cấp xã xem xét và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ. UBND cấp xã thẩm định hồ sơ trong 30 ngày, hoặc kéo dài không quá 60 ngày. UBND cấp xã niêm yết công khai trong thời hạn 5 ngày làm việc. UBND cấp xã gửi hồ sơ cho UBND cấp huyện trong vòng 3 ngày làm việc. UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ trong vòng 30 ngày.

Trước đó, VCCI cũng có quan điểm tương tự khi gửi góp ý tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại và khuyến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế để UBND cấp xã chủ trì tập hợp thống kê, đồng thời thẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Tin bài liên quan