Thiếu định hình, mô hình bất động sản du lịch nông nghiệp khó phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thiếu cả khung pháp lý, cơ chế lẫn cách định hình về việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với bất động sản đang là rào cản khiến cho phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp, dù được đánh giá rất có tiềm năng, nhưng khó phát triển mạnh.

Đây là ý kiến được nhiều diễn giả chia sẻ tại sự kiện Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng quốc gia tại Hà Nội chiều ngày 25/5/2023.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trước khi bước vào Hội nghị này, nhiều doanh nghiệp đã tham chương trình "Hành trình xuyên Việt Farmstay”, tham quan thực tế gần 30 điểm du lịch nông nghiệp, văn hóa, trang trại tại 20 tỉnh, thành phố.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn dần trở thành một xu hướng phổ biến tại các vùng đất nông thôn, đặc biệt là tại các quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp phát triển như Việt Nam. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ đem lại lợi ích cho ngành du lịch, mà còn góp phần tăng giá trị cho vùng đất, đem lại cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương.

“Để gia tăng giá trị vùng đất nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần có chiến lược phát triển bền vững. Phải dựa trên năng lực cốt lõi để tạo ra các sản phẩm du lịch mới và độc đáo, khác biệt và mang tính cạnh tranh cao”, ông Khôi chia sẻ.

Đây cũng là lý do, ông Khôi hy vọng Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông – lâm – ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch – Bất động sản – Nông nghiệp – với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thực tế, trong thời gian gần, đây du lịch nông nghiệp và nông thôn đã trở thành một hình thức du lịch mới ở Việt Nam. Đây là hình thức du lịch mang tính bền vững, giúp bảo tồn và phát triển nền văn hóa, lịch sử, truyền thống của một vùng đất. Đồng thời, du lịch nông nghiệp và nông thôn cũng giúp tăng cường sự đa dạng hóa ngành du lịch, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những trở ngại về khung pháp lý đã gây nhiều khó khăn cho lĩnh vực này.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.

Đơn cử, chế định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp du lịch. Chế định này mới quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm quyền lập, xét duyệt, điều chỉnh; lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng nói chung…, mà chưa có các quy định khu biệt về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất du lịch, nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đất du lịch, nông nghiệp chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai năm 2013. Điều 3 giải thích từ ngữ của luật này không đưa ra giải thích hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp. Điều 10 về phân loại đất cũng không quy định đất du lịch nông nghiệp được xếp vào nhóm đất nào theo tiêu chí phân loại đất của Luật là căn cứ vào mục đích sử dụng đất; theo đó, loại đất này được xếp vào nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp.

“Chính về không định danh, giải mã khái niệm đất du lịch nông nghiệp nên pháp luật đất đai hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất du lịch nông nghiệp. Mặt khác, câu hỏi được đặt ra là vậy đất du lịch nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp (là loại đất thương mại, dịch vụ). Pháp luật đất đai hiện hành chưa có lời giải cho câu hỏi này”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Văn Chung, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nằm tản mạn ở nhiều văn bản nên gặp khó khăn trong việc triển khai và tiếp cận chính sách hỗ trợ trang trại. Một số hoạt động phi nông nghiệp kết hợp phát sinh như: Sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất; phát triển du lịch, nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.

Ông Chung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ngày 22/8/2022 có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang hoàn thiện để trình Chính phủ.

Theo đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại được phân thành 03 nhóm:

Một là, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành mà trang trại được hưởng, liên quan đến: Đất đai; thuế; tín dụng; khoa học, công nghệ và môi trường; xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, thương mại điện tử; liên kết theo chuỗi sản xuất nông nghiệp; khuyến nông; hỗ trợ mua máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp khác nếu tại các văn bản quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ có đối tượng là chủ trang trại, trang trại hoặc cá nhân phù hợp nếu tại các văn bản quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ có đối tượng là chủ trang trại, trang trại hoặc cá nhân phù hợp.

Hai là, các chính sách hỗ trợ riêng theo Nghị định gồm: Hỗ trợ chủ trang trại có trang trại có hoạt động tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ chứng nhận hoặc chứng nhận lại tiêu chuẩn sản xuất chất lượng an toàn, hỗ trợ về mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ kết hợp hoạt động du lịch; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ba là, hỗ trợ quy hoạch chi tiết và đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước; hạ tầng logistic; hạ tầng tập kết nguyên vật liệu; hạ tầng sản xuất cây, con giống tập trung; hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng phục vụ quan trắc môi trường, chuyển đổi số để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho các trang trại.

Tin bài liên quan